Chiều 28/6, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Trong đó, đáng chú ý là các thông tin về biện pháp tiếp theo của thành phố để chống dịch trong thời gian tới.

TIẾP TỤC ÁP DỤNG CHỈ THỊ 10

Thông tin với báo chí về công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 tại TP.HCM, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, trong tuần vừa qua, thành phố đã hoàn thành tốt đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 800.000 liều tiêm cho người dân thành phố và các lực lượng ưu tiên.

Phương châm chống dịch của TP.HCM vẫn là “thần tốc”, “truy vết”, “khoanh vùng rộng” và “cách ly hẹp”.

Thống kê cho thấy, đợt tiêm chủng đã đạt được mục tiêu đã đề ra, toàn bộ người đến tiêm đều được đảm bảo an toàn. Dự kiến ngày 29/6, thành phố sẽ tổ chức sơ kết đợt tiêm vaccine vừa rồi để rút kinh nghiệm cho những lần tiêm chủng sắp tới.

Về tình hình phòng, chống dịch, thành phố vẫn kiên định với những phương án Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã đề ra. Phương châm của thành phố vẫn là “thần tốc” , “truy vết”, “khoanh vùng rộng” và “cách ly hẹp”. Với đặc thù là thành phố rộng, đông dân, địa bàn phức tạp, TP.HCM luôn áp dụng những biện pháp linh hoạt để vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo duy trì cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn.

"Chỉ thị 10 không có thời hạn thực hiện. Sau ngày 30/6, thành phố vẫn áp dụng phương án này"
- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức.

Trả lời câu hỏi về việc thành phố có những biện pháp tiếp theo như thế nào để chống dịch, có tiếp tục tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu hay không, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức, cho biết: TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10 của Uỷ ban nhân dân thành phố sau 0h ngày 29/6.

"Chỉ thị 10 không có thời hạn thực hiện. Sau ngày 30/6, thành phố vẫn áp dụng phương án này", ông Dương Anh Đức nói.

Như vậy, từ 0h ngày 29/6, TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp của Chỉ thị 10 của Uỷ ban nhân dân thành phố. Trong đó, có giải pháp mạnh như dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát.

Không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.

BIỆN PHÁP CHỐNG DỊCH PHÙ HỢP VỚI TỪNG ĐỊA PHƯƠNG

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức, trong thời gian tới, thành phố sẽ phân loại các địa phương theo các mức độ nguy cơ khác nhau, chia làm 3 nhóm: nhóm nguy cơ rất cao , nhóm nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ. Sau khi phân loại, các địa phương sẽ căn cứ hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của quốc gia và thành phố để xây dựng các biện pháp sao cho phù hợp.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Phan Thanh Tâm trao đổi tại cuộc họp  

Liên quan đến việc các ca bệnh vẫn tăng cao dù thành phố đã áp dụng hàng loạt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Phan Thanh Tâm, chia sẻ: “Biến chủng virus Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng. Do đó, với việc tăng cường áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, thành phố hy vọng sẽ từng bước khống chế và giảm tỉ lệ lây lan”.

“Về kế hoạch lấy mẫu diện rộng và áp dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, hiện tại tổng năng lực xét nghiệm riêng của thành phố là 20.000 mẫu/ngày. Sắp tới, ngành Y tế TP.HCM sẽ mở thêm cơ sở xét nghiệm tại bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 với năng lực xét nghiệm 30.000 mẫu/ngày để đủ tiêu chí 50.000 mẫu/ngày mà thành phố đặt ra” Phó Giám đốc HCDC Phan Thanh Tâm cho biết thêm.

Trước đó, từ 0h ngày 31/5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo Chỉ thị 16.

Tuy nhiên, do TP.HCM xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng nên đến ngày 14/66, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội toàn địa bàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15/6 cho đến 0h ngày 29/6.

Đến ngày 19/6, Uỷ ban nhân dân TP.HCM ban hành Chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng...

TP.HCM cũng quyết định thiết lập vùng phong tỏa tại khu phố 2, phường 16, quận 8; một phần ấp Hậu Lân thuộc xã Bà Điểm và một phần khu phố 1, 2, 5, 6, 7 thuộc thị trấn Hóc Môn; ấp Tân Thới 2, ấp Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn; khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân.

Theo Vneconomy