Toshiba và bê bối khiến niềm kiêu hãnh của điện tử Nhật Bản sụp đổ - Ảnh 1

Vào thời hoàng kim của ngành sản xuất điện tử Nhật Bản, "người người nhà nhà" trên thế giới nhìn đâu cũng thấy các món đồ công nghệ với thương hiệu sáng chói của Sony, JVC, Panasonic, Sharp, Toshiba,… Định nghĩa ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, rằng hàng Nhật Bản đồng nghĩa với hàng chất lượng, hàng đỉnh cao.

Thế nhưng, không có gì là tồn tại mãi. Ngay cả không khí, nước hay các tài nguyên tự nhiên đều có nguy cơ bị ô nhiễm và cạn kiệt. Không ai phủ nhận chất lượng Nhật Bản. Thế nhưng sự thống trị của đồ Nhật vẫn kết thúc theo một kịch bản mà không ai mong đợi.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại lịch sử của Toshiba - một trong những tượng đài nổi tiếng và lâu đời nhất nhì trên thế giới, để xem cái cách mà niềm kiêu hãnh của điện tử Nhật Bản sụp đổ như thế nào.

Tinh hoa của công nghệ Nhật Bản

Tòa nhà từng là Trụ sở chính của Toshiba tại Minato, Tokyo, Nhật Bản

Toshiba được thành lập vào năm 1939 dưới tên Tokyo Shibaura Electric K.K. qua sự hợp nhất của Shibaura Seisaku-sho (thành lập năm 1875) và Tokyo Denki (thành lập năm 1890). Như vậy, nếu tính trên lịch sử thành lập của Shibaura Seisaku-sho, Toshiba đến nay đã tròn 145 năm tuổi.

Tên tập đoàn đã được chính thức thay đổi sang Toshiba Corporation vào năm 1978. Họ hoạt động trong 4 lĩnh vực chính gồm Nhóm Sản Phẩm Số, Nhóm Thiết Bị Điện Tử, Nhóm Đồ Dùng Gia Dụng và Nhóm Cơ Sở Hạ Tầng Xã Hội.

Toshiba được biết đến là công ty với hàng loạt "sản phẩm đầu tiên" được sản xuất tại Nhật, như sáng chế ra Radar năm 1942, máy tính số TAC năm 1954, máy thu hình bán dẫn và lò vi sóng năm 1959, điện thoại màn hình màu năm 1971, máy tính xách tay năm 1986, đĩa DVD năm 1995,...

Thời sau này, Toshiba cũng đồng thời là công ty đi tiên phong trong các công nghệ TV 3D không cần kính, TV độ phân giải Ultra HD (4K).

Năm 2010 đánh dấu thời kỳ đỉnh cao nhất trong suốt lịch sử 145 của Toshiba, với vai trò là công ty máy tính cá nhân lớn thứ năm thế giới về doanh thu (xếp phía sau Hewlett-Packard, Dell, Acer và Lenovo).

Vào cùng năm đó, Toshiba trở thành công ty sản xuất chất bán dẫn lớn thứ tư thế giới về doanh thu (xếp phía sau Intel, Samsung và Texas Instruments).

Gian hàng của Toshiba tại triển lãm công nghệ Expo 85 (1985).

Năm 2011, Toshiba nằm trong top 5 công ty có nhiều bằng sáng chế nhất thế giới, chỉ đứng sau IBM, Samsung, Canon, Panasonic với 2483 bằng sáng chế.

Năm 2012, Toshiba có tổng doanh thu lên đến 6.100 tỷ yên, trong đó có đến 36.6% đến từ nhóm cơ sở hạ tầng xã hội, 25% từ sản phẩm số, và 24.5% từ nhóm thiết bị điện tử.

Có thể nói rằng Toshiba chính là tinh hoa của công nghệ Nhật Bản với các sản phẩm đồ điện tử nổi bật như TV, điều hòa, tủ lạnh. Chúng không chỉ được sử dụng rộng rãi tại lãnh thổ Nhật Bản, mà còn trên toàn thế giới.

 Sự sụp đổ của thương hiệu 145 tuổi

Sóng gió đến với Toshiba một cách vô cùng bất ngờ, nhưng nó chính là hồi kết của một hệ quả tất yếu. Năm 2015 được xem là năm thảm họa đối với tập đoàn Nhật Bản, khi bê bối suốt nhiều năm của hãng bị phanh phui.

Toshiba lên tiếng thừa nhận đã khai man lợi nhuận lên ít nhất 1,2 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2008 tới 2014. Vụ bê bối khiến 3 chủ tịch của Toshiba bị sa thải, khiến công ty thua lỗ kỷ lục, buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên và bán nhiều mảng kinh doanh.

Các lãnh đạo Toshiba “cúi đầu xin lỗi” sau bê bối tài chính lớn nhất lịch sử của hãng. (Nguồn: Nikkei)

Bức tranh lộng lẫy bị gỡ xuống, phơi bày sự thật trần trụi: Hóa ra, Toshiba đã rơi vào tình trạng làm ăn bết bát từ nhiều năm trước đó. Kết quả kinh doanh năm 2014 cho thấy họ thua lỗ 37,8 tỷ yên (tương đương 318 triệu USD). Trong khi 1 năm trước đó nhà sản xuất này vẫn công bố thu về lợi nhuận 60,2 tỷ yên (496,9 triệu USD) - tại thời điểm trước khi tiến hành cuộc điều tra về bê bối gian lận.

Một số quan chức Nhật Bản còn cho rằng, vụ việc này còn "kinh khủng" hơn scandal của tập đoàn chuyên sản xuất camera và vật tư y tế Olympus hồi năm 2011. Khi đó, Olympus bị phát hiện đã công bố các báo cáo tài chính chênh lệch tới 100 tỉ yên, so với thực tế nhằm che giấu tình hình thua lỗ trong suốt từ thập niên 90 đến năm 2011.

Thế nhưng tại sao thương hiệu điện tử số 1 Nhật Bản, cũng như nằm trong top thế giới lại đột nhiên thua lỗ đến vậy, trong khi bất kỳ ai cũng nghĩ rằng họ đang ở trên đỉnh? Theo các chuyên gia phân tích, tất cả đến từ niềm tự hào và sự bảo thủ cố hữu của người Nhật. Người Nhật - họ rất giỏi để phát triển một thứ gì đó lên đỉnh cao mà không một quốc gia nào theo kịp. Nhưng họ bảo thủ tới mức giữ nguyên đường lối phát triển ấy ngay cả khi nó trở nên lạc hậu.

Trong mảng TV, Toshiba cùng một số thương hiệu Nhật khác như Sony, Panasonic, Sharp từng “thống trị” thị trường điện tử thế giới - đây là điều không thể phủ nhận.Một ngày, những đối thủ khác xuất hiện bất ngờ xuất hiện với những trào lưu mới. Người Nhật cười ngạo nghễ vì chưa từng ai dám thách thức họ - những người đang ở trên đỉnh của thế giới. Nhưng rồi thực tế đã chứng minh tất cả, họ vấp ngã vì không đủ sự nhanh nhạy.

Peter Richardson, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết các thương hiệu Nhật từng luôn chú trọng vào chất lượng sản phẩm, nhưng họ không có năng lực trong việc sản xuất các tấm nền màn hình LED và LCD, từ đó mất đi khả năng tạo ra sự khác biệt.

Trong khi đó, các hãng TV của Hàn Quốc và Trung Quốc (vốn là người tạo ra xu thế này) đã liên tục tạo ra xu thế cạnh tranh từ giá cho tới thông số kỹ thuật buộc người tiêu dùng quay lưng với TV Nhật. Một lý do khác đó là cơ cấu kinh doanh tốn kém và phức tạp cũng khiến các hãng điện tử Nhật Bản khó thu về lợi nhuận đáng kể.

Rõ ràng, sự đổi mới của công nghệ và nhu cầu giải trí tại nhà đã đóng góp vào sự thay đổi trên thị trường toàn cầu. Nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi và họ nhanh chóng tiếp nhận những thiết bị mới với mức giá rẻ chưa từng thấy mà các hãng đưa ra, thay vì giữ mãi một chiếc TV lạc hậu.

Quảng cáo cũng đã tạo ra sự khác biệt - và nó nhiều hơn những gì mà chúng ta nghĩ về chúng. Thời ấy, ít ai thấy một quảng cáo nào về TV của Nhật, dù ai cũng biết chất lượng của chúng rất tốt. Trái lại, các hãng Hàn Quốc bỏ rất nhiều tiền để đi tiên phong trong khâu quảng cáo, khiến mọi thứ về họ trở thành xu hướng, từ tóc, quần áo, món ăn, văn hoá, và tất nhiên là cả những chiếc TV. Tất cả đều tạo ra một cảm giác thời thượng, hấp dẫn, chất lượng cao.

Nhóm nhạc SNSD trong một quảng cáo cho TV 3D của LG.

Ai cũng biết là các hãng Hàn Quốc chỉ đơn giản là học hỏi từ công nghệ TV của Nhật Bản để về cải tiến, và rồi qua mặt ông thầy của mình mà chẳng thèm bóp còi. Trung Quốc cũng là một bậc thầy trong khía cạnh này, khiến thị trường TV luôn bị đặt trong tư thế cạnh tranh khốc liệt, còn các nhà sản xuất Nhật Bản thì "đánh rơi vũ khí" mà chẳng buồn nhặt.

Tháng 3/2015, Toshiba bắt đầu ngừng sản xuất và bán TV tại Bắc Mỹ vì lý do không thể cạnh tranh với các đối thủ. Thị trường nội địa Nhật cũng dần bị các hãng TV Hàn Quốc như Samsung, LG lấp đầy.

Trong mảng máy tính, Toshiba cùng với Fujitsu và Vaio (Sony) từ vị thế dẫn đầu, cũng bắt đầu có thị phần kém cỏi, trượt khỏi top 5 nhà sản xuất PC hàng đầu thế giới do không cạnh tranh được với các ông lớn như HP, Dell. Năm 2015, thị phần của cả 3 hãng kết hợp lại chỉ bằng 6,5% - một con số có thể gây sốc với những ai từng quen dùng máy tính thương hiệu Nhật Bản.

Từ gã khổng lồ thống trị

đến ... gã khổng lồ "bán mình"

Khó khăn chồng chất khó khăn, sau khi bế bối gian lận được công bố, đã có nhiều lời đồn đoán cho rằng Toshiba sẽ phải nhận án phạt lên tới hàng tỷ USD.

Trong lúc đang loay hoay tìm lối thoát khỏi muôn vàn khó khăn gặp phải, Toshiba tiếp tục đưa ra nhiều quyết định không hợp lý, điển hình như canh bạc đầu tư vào công ty hạt nhân Mỹ là Westinghouse.

Năm 2016, Toshiba thông báo lỗ ròng 532,51 tỷ yên (4,8 tỷ USD) chỉ riêng giai đoạn tháng 4-12/2016. Trong đó, riêng thương vụ Westinghouse đã ”đóng góp” bằng khoản lỗ 2,3 tỷ USD.

Tháng 3/2016, Toshiba bắt đầu phải bán mảng thiết bị y tế cho Canon với giá 665,5 tỷ yên (tương đương 6 tỷ USD) sau khi đối mặt với bê bối gian lận kế toán.

Năm 2017, tiếp tục chịu lỗ 6,3 tỷ USD liên quan đến hoạt động hạt nhân tại Mỹ, và tuyên bố phá sản mảng hạt nhân vào 24/2.

Liên tiếp các thương vụ thất bại đưa Toshiba đến quyết định bán mảng chip nhớ cho Western Digital với giá 18,3 tỷ USD để bù lỗ.

Đỉnh điểm của khủng hoảng, người thuyền trưởng của Toshiba, Chủ tịch Shigenori Shiga, tuyên bố từ chức. Cùng năm này, Toshiba tuyên bố tách 4 nhóm lĩnh vực doanh nghiệp chính thành các công ty con riêng lẻ. Hơn 19.000 nhân viên của Toshiba cảm thấy bị chia tách hơn bao giờ hết.

Cuối cùng, Toshiba bán mảng TV - niềm tự hào của điện tử Nhật Bản và cũng là của chính họ cho Hisense Group, nhà sản xuất thiết bị điện tử tại Trung Quốc với giá 12,9 tỷ yên (113,6 triệu USD).

Trường hợp của Toshiba kể trên có thể xem là bài học xương máu dành cho các doanh nghiệp. Từ một gian lận nhỏ, Toshiba đã rơi tiếp tục đi theo vết xe đổ và chìm sâu hơn vào sai lầm. Khi mọi việc đã bị phanh phui, họ không còn đường thoái lui và loay hoay trong vòng xoáy nợ nần, nội bộ lục đục và án phạt.

Cuối cùng, khi mọi sự đã lỡ, biện pháp được đưa ra chỉ là nỗ lực bán mình - để lại sự tiếc nuối đối với thương hiệu từng vang bóng một thời.

Link gốc: https://dantri.com.vn/suc-manh-so/toshiba-va-be-boi-khien-niem-kieu-hanh-cua-dien-tu-nhat-ban-sup-do-20200524055604478.htm

Nguyễn Nguyễn
Theo Dân trí