Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng nhóm ứng viên của Đảng Nhân dân hành động Singapore cầm quyền (PAP) đi vận động tranh cử (Ảnh: Trần Khiên)  

Cuộc bầu cử tại Singapore năm nay chứng kiến những điều đặc biệt chưa từng có trong lịch sử. Sau gần 6 thập kỉ lãnh đạo, sẽ không ngạc nhiên khi Đảng Nhân dân hành động Singapre (PAP) lại tiếp tục giành thắng lợi tại cuộc bầu cử lần này. Song đây cũng sẽ là một kỳ bầu cử khó khăn nhất mà PAP sẽ phải đối mặt kể từ khi thành lập và chèo lái đất nước cho đến nay.

Nhiều thách thức khó có thể dễ dàng vượt qua

Thách thức đầu tiên là tình hình dịch bệnh COVID- 19 đang có chiều hướng phức tạp khi những ngày gần đây số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao trở lại, đặc biệt là các ca nhiễm không rõ nguồn gốc.

Trên thực tế, tại thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, Singapore với hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe thuộc nhóm hàng đầu thế giới cùng với các biện pháp quyết liệt từ chính phủ đã làm tốt công tác phòng chống, được coi là hình mẫu trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, lỗ hổng trong theo dõi sức khỏe lao động nhập cư đã khiến nước này phải trả giá khi trở thành nơi có số người nhiễm cao nhất Đông Nam Á.

Theo đánh giá, dường như có sự chủ quan trong cộng đồng cư dân Singapore khi mà chính phủ nước này đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ giữa tháng 6. Mặc dù có nhiều nỗ lực áp dụng các biện pháp truy vết nhưng những ca nhiễm mới không nguồn gốc vẫn sẽ khiến Singapore gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.

Người dân Singapore đi bầu Quốc hội, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới (Nguồn: Bộ Thông tin Truyền thông Singapore)

Theo quy định, cuộc bầu cử lần này tại Singapore đã không có mít-tinh, vận động tranh cử quy mô lớn, mà thay vào đó là hình thức vận động tranh cử online. Các ứng cử viên vẫn có thể đi vận động cử tri từng nhà nhưng phải đảm bảo giãn cách xã hội. Các điểm bỏ phiếu được xây dựng ngay tại các khu dân cư tập trung để người dân thuận tiện trong việc đi bỏ phiếu và đảm bảo họ không phải di chuyển đến các trường học hoặc trung tâm cộng đồng như những lần bầu cử trước nhằm tránh tập trung đông người và giảm nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã ghi rõ thời gian bỏ phiếu cho từng nhóm cử tri trên các phiếu bầu đã được gửi đến từng cử tri trong thời gian vừa qua. Tuy vậy, những lo lắng về nguy cơ lây nhiễm vẫn tiếp tục là thách thức cho việc kêu gọi cử tri tham gia đầy đủ tại cuộc bầu cử lần này. Do đó, có thể thấy chi phí cho kỳ bầu cử lần này là vô cùng lớn.

Dịch bệnh bùng phát trở lại cũng là một yếu tố khiến cho cử tri có thể thay đổi quan điểm khi cho rằng chính phủ của Đảng Nhân dân hành động Singapore (PAP) cầm quyền không có những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến đời sống của số đông người dân.

Thứ hai, kinh tế Singapore đang ở vào thời điểm khó khăn chưa từng có do bị tác động kép của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh COVID-19. Theo các dự báo, kinh tế Singapore sẽ tăng trưởng âm từ -7 đến -4%. Nhưng thực tế sẽ xấu hơn rất nhiều nếu tình trạng dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở Singapore và ở các quốc gia khác. Ngay cả các quan chức chính phủ cũng khẳng định, đây chưa phải là giai đoạn tệ nhất của kinh tế Singapore.

Singapore là nền kinh tế mở với rất nhiều sự lệ thuộc vào thế giới bên ngoài. Ba tháng cách ly đã trôi qua với nhiều tổn thất nặng nề về kinh tế, khiến chính phủ nước này phải chi tới bốn gói ngân sách hỗ trợ trị giá lên đến 93 tỷ SGD. Khi xu hướng bế quan tỏa cảng của nhiều nước để chống dịch COVID-19 dự kiến còn tiếp tục, Singapore có lẽ phải mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm nữa mới có khả năng mở cửa biên giới bình thường với các nước.

Những chỉ số ảm đạm về kinh tế sẽ tác động lớn đến cử tri, nhất là những người thuộc nhóm thu nhập thấp, khi mà các biện pháp hỗ trợ của chính phủ chưa mang lại hiệu quả đối với họ. Trong thời điểm áp lực, nhu cầu về sự thay đổi tăng cao sẽ ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn ứng viên của họ.

Người dân Singapore sẽ thể hiện quan điểm qua lá phiếu của họ (Nguồn: Bộ Thông tin Truyền thông Singapore)

Thứ ba, sự bức xúc của người dân về một số vấn đề xã hội như bình đẳng thu nhập, sắc tộc, tôn giáo đang có xu hướng gia tăng. Một số cử tri, nhất là nhóm cao tuổi và thu nhập thấp đang cho rằng người dân Singapore chưa được thụ hưởng thành quả phát triển một cách công bằng và tương xứng. Thu nhập và việc làm của họ ngày càng bấp bênh, trong khi đầu tư cho phúc lợi xã hội vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Các chi phí y tế, giáo dục và sinh hoạt đang ngày càng đắt đỏ đối với nhiều người.

Đáng chú ý, ông Lý Hiển Dương, em trai Thủ tướng Lý Hiển Long , đã có những phát biểu cho rằng, thành quả kinh tế của Singapore chỉ phục vụ cho tầng lớp giàu có mà không được chia sẻ và đáp ứng nhu cầu của số đông nhân dân, đồng thời khẳng định chính sách và tôn chỉ của PAP hiện nay khác xa với PAP dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu. Hiện đã xuất hiện dư luận cho rằng, phát biểu trên của ông Lý Hiển Dương là "trung thực, khách quan" và ông đã nói thay cho nhiều người dân có cùng quan điểm nhưng không dám lên tiếng. Cộng đồng người gốc Ấn cũng tỏ ra khó hiểu khi trong 27 ứng viên PAP lần đầu góp mặt tranh cử lại không có gương mặt nào gốc Ấn.

Công tác chuẩn bị trước thềm cuộc bỏ phiếu ngày 10/7 (Nguồn: Bộ Thông tin Truyền thông Singapore)

Đích thân Thủ tướng Lý Hiển Long đã phải giải thích rằng, mặc dù không có người gốc Ấn trong số 27 gương mặt mới, song nguyện vọng và quyền lợi của người gốc Ấn vẫn sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên điều này khó xoa dịu được mối nghi ngờ của người gốc Ấn khi mà việc đưa những gương mặt mới được coi là sự chuẩn bị và đào tạo cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo.

Sự cạnh tranh gay gắt chưa từng có

Lần thứ hai trong lịch sử, tất cả số ghế Quốc hội tại tất cả các khu vực bầu cử đều có Đảng đối lập tham gia. Mặc dù vậy, xét theo thực lực, chỉ có Đảng Tiến bộ Singapore (PSP với 24 ứng viên) và Đảng Công nhân (WP với 21 ứng viên) là có khả năng giành phiếu cao và thắng cử ở các khu vực họ tranh cử.

Tuy nhiên, việc nhiều Đảng tham gia ở tất cả các khu vực có thể sẽ khiến cho tổng số phiếu bầu cho PAP trong kỳ bầu cử này sẽ giảm xuống. Đây là điều mà PAP không hề mong muốn xảy ra.

Kể từ khi độc lập, PAP chưa bao giờ giành được dưới 93% số ghế quốc hội. Thế nhưng tỷ lệ ủng hộ của tổng số cử tri có ý nghĩa nhất định, phản ánh sự tin tưởng vào chính phủ đang ở mức nào. Trong cuộc bầu cử 2011, mặc dù vẫn giành trên 93% số ghế nhưng tổng số phiếu bầu cho PAP chỉ chiếm 60,1%. Kết quả, các cuộc bầu cử của Singapore từ trước đến nay luôn cho thấy có khoảng 1/3 số cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên đối lập.

Việc cuộc bầu cử này có tham gia của một đảng mới là PSP, với Chủ tịch Đảng là Tang Cheng Bock - cựu thành viên Đảng PAP đã giành sự ủng hộ lớn từ người dân trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2011 - cùng với việc ông Lý Hiển Dương cũng gia nhập, sẽ có thể khiến PAP mất đi một lượng không nhỏ cử tri. Trong khi đó, Đảng WP cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và thể hiện quyết tâm cao cũng như có cương lĩnh tranh cử khá cụ thể cũng sẽ đảm bảo giành được sự ủng hộ như kỳ bầu cử trước từ số cử tri trung thành. PAP vì thế đã phải đưa ra cương lĩnh tranh cử với những vấn đề căn bản: "Cuộc sống của chúng ta, việc làm của chúng ta, tương lai của chúng ta".

Ông Lý Hiển Dương (em trai Thủ tướng Lý Hiển Long - Thứ hai từ phải sang) đi vận động tranh cử cho Đảng đối lập Tiến bộ Singapore (PSP) (Ảnh: Trần Khiên)

Mạng xã hội và truyền thông đại chúng

Mạng xã hội và truyền thông đại chúng đã trở thành một không gian cạnh tranh quyết liệt giữa PAP và các Đảng đối lập trong kỳ bầu cử lần này. Do không có các cuộc diễn thuyết, tuần hành và tập trung đông người trong quá trình tranh cử nên có thể thấy tổng tuyển cử năm nay dường như trầm lặng hơn những lần trước.

Không ồn ào, náo nhiệt trên "thực địa" nhưng sức nóng cạnh tranh giữa các đảng phái không hề suy giảm trên không gian mạng hay trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ứng cử viên các đảng phái tận dụng triệt để, khai thác tối đa các công cụ giao tiếp trực tuyến (Facebook, Twitter, Youtube, Whatsapp…) hay trên các kênh truyền hình, các kênh phát thanh để truyền tải cương lĩnh tranh cử, thu hút cử tri cũng như chỉ trích, công kích đối thủ.

Đoàn xe cổ động của Đảng Tiến bộ Singapore PSP đi vận động tranh cử (Ảnh: Trần Khiên)

Mở đầu cho những tranh cãi và hạ uy tín nhau trên mạng xã hội là khi dư luận phàn nàn về bài đăng của bà Ho Ching, phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long, với nội dung là bức tranh biếm họa phê phán Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến quan điểm của ông này về biểu tình tại Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ.

Trước đó, dư luận mạng xã hội cũng xôn xao về mức lương mà bà này được hưởng khi là Chủ tịch Quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holding của Singapore. Ngay trước thời điểm đăng ký danh sách ứng cử viên, các đối thủ của PAP cũng thông qua mạng xã hội đưa các thông tin về quá khứ khiến một ứng cử viên sáng giá của PAP đã phải rút lui và không đăng ký tranh cử.

Trong giai đoạn tranh cử, một số người dùng mạng xã hội tại Singapore cũng đã bày tỏ sự phẫn nộ khi clip về việc những người treo biển quảng cáo cho PAP đã tháo biển của một đảng đối lập treo xuống dưới rồi treo biển của PAP lên trên. Trên các ứng dụng nhắn tin nhóm như Whatsapp hay Viber đang lan truyền thông tin cho rằng, PAP chắc chắn thắng cử nên các cử tri hãy bỏ phiếu cho các đảng đối lập. Mặc dù vậy với sự ra đời của Đạo luật chống thông tin giả mạo 9 tháng trước, các đảng đối lập cũng có ít cơ hội để hạ uy tín PAP.

Ở chiều ngược lại, PAP cũng sử dụng lợi thế kiểm soát mạng xã hội và lượng người ủng hộ đông đảo để tấn công vào phát biểu của một ứng cử viên nữ 26 tuổi của Đảng Công nhân đối lập (WP), khẳng định phát biểu này của ứng cử viên này là gây tổn hại tới tinh thần hòa hợp và gây mâu thuẫn sắc tộc. PAP cũng đưa các thông điệp trên mạng xã hội nhấn mạnh những nỗ lực của chính phủ Singapore trong việc đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, cho rằng, với nguồn lực như hiện nay, không Đảng đối lập nào có thể đưa ra các biện pháp và đảm bảo việc thực hiện chúng tốt hơn PAP.

PAP tiếp tục chiến thắng nhưng có thể có những bất ngờ thú vị

Với cơ chế bầu cử hiện nay, PAP sẽ tiếp tục nắm quyền bởi việc các đảng đối lập giành được thắng lợi là chuyện vô cùng khó xảy ra. Giới quan sát cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ, PAP sẽ thắng lợi với tỷ lệ nào.

Xét trên khía cạnh lịch sử, đây không chỉ là một cuộc bầu cử thông thường mà là một cuộc chuyển giao thế hệ. Thủ tướng Lý Hiển Long muốn chứng minh, ông để lại cho người kế nhiệm một di sản hoàn hảo với niềm tin của dân chúng dành cho chính phủ ở mức cao nhất, điều mà người tiền nhiệm Go Chock Tong đã làm vào năm 2001.

Thứ hai, thế hệ lãnh đạo mới cũng mong muốn có được kết quả tốt để tự tin hơn trong việc hoạch định chính sách cho Singapore trong 10 - 15 năm tiếp theo. Nếu PAP tiếp tục mất ghế nhiều hơn so với kỳ bầu cử trước vào tay các Đảng đối lập, đây sẽ được coi là khởi đầu của việc mất niềm tin và là xu hướng cho những mất mát lớn hơn trong tương lai.

Dù vậy, thực tiễn tại Singapore cũng cho thấy, người dân nước này có thể bầu cho phe đối lập chỉ để nhìn thấy có nhiều tiếng nói đối lập tại quốc hội chứ không muốn thay đổi trong việc bầu ra một chính phủ mới. Trong khi đó, bản thân PAP cũng không muốn giành chiến thắng tuyệt đối với 93/93 ghế quốc hội, bởi nếu thắng tuyệt đối, PAP có thể lại phải ở vào vị trí tâm bão chỉ trích của dư luận về việc không đảm bảo công bằng, minh bạch trong bầu cử.

Cương lĩnh tranh cử của Đảng Nhân dân hành động Singapore: "Cuộc sống của chúng ta, công việc của chúng ta, tương lai của chúng ta" (Ảnh: Trần Khiên)

Do vậy, dù kết quả bầu cử có thế nào, đường lối đối nội và đối ngoại của Singapore cũng sẽ không thay đổi. Thực dụng hơn nữa chính là con đường mà ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Thủ tướng tương lai Singapore Heng Swee Keat sẽ lựa chọn, bởi ông vốn thành công và có nhiều kinh nghiệm khi là Bộ trưởng Tài chính của Singapore.

Theo VTV News