Bệnh nhân đau gối trái khoảng ba tháng trước, ban đầu cho rằng là dấu hiệu bất thường ở tuổi dậy thì. Sau đó cẳng chân trái dần hiện rõ khối u, cơn đau tăng dần, khiến anh không thể duỗi được chân. Anh khám ở bệnh viện địa phương phát hiện ung thư xương, chưa kịp điều trị thì gia đình bị cách ly y tế ba tháng do Covid-19. Khối u lớn dần trong thời gian cách ly, khớp gối co rút, bất động, thiếu niên này phải ngồi xe lăn. Bệnh nhân mệt mỏi, gầy sút, cơ tứ chi teo nhỏ.

Khi hết cách ly y tế, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh khám. Bác sĩ Nguyễn Trần Quang Sáng, khoa Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, ngày 7/7 cho biết, khối u phát triển lớn sau ba tháng không được điều trị, xâm lấn mặt khớp và các hệ thống dây chằng quan trọng của khớp gối. Do đó, khớp gối bất động, không thể duỗi thẳng và gây teo nhỏ hệ thống cơ chi dưới. Bệnh nhân cần phẫu thuật cắt một nửa xương vùng cẳng chân và phần mềm bị u xâm lấn để loại bỏ khối u hoàn toàn. Tuy nhiên, vùng cẳng chân sẽ bị khuyết hổng xương và phần mềm lớn.

Nhóm điều trị quyết định sử dụng công nghệ mô phỏng 3D để thiết kế bộ khớp gối, một nửa xương chày và có đủ độ vững vàng, thay vào phần bị cắt bỏ. Bộ khớp này được thiết kế chính xác với các chỉ số riêng của bệnh nhân, đảm bảo chức năng hoạt động khi thiếu hụt quá nhiều phần mềm và hệ thống dây chằng quanh gối. Nhóm cũng lên phương án tạo hình gân bánh chè để phục hồi chức năng duỗi của khớp gối.

Ca mổ diễn ra ngày 1/7. Ngay sau mổ, bệnh nhân đã có thể duỗi thẳng chân, hôm sau tập đứng và đi trên chính đôi chân của mình. Ngày 7/7, sức khỏe chàng trai hồi phục tốt.

Bác sĩ Sáng cho biết 60-70% bệnh nhân ung thư có thể sống thêm 5 năm và phục hồi chức năng chi thể nhờ tiến bộ về y học. Song, kết quả điều trị tốt chỉ khi người bệnh đi khám sớm, tránh để bệnh diễn biến quá lâu. Trong trường hợp của chàng trai, khối u quá to làm giảm cơ hội bảo tồn chi thể, khi phẫu thuật thành công thì quá trình phục hồi chức năng hệ thống gân cơ rất khó khăn và công phu.

Theo bác sĩ Dương Đình Toàn, Phó trưởng khoa Khám Xương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ung thư xương hay gặp ở trẻ 1-12 tuổi, chiếm 0,2% trong các loại ung thư nguyên phát, đứng thứ 6 trong tất cả các loại ung thư nguyên phát ở trẻ em.

Ung thư xương có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người trẻ. Tại Mỹ, tỷ lệ ung thư xương nguyên phát được chẩn đoán hàng năm khoảng 3300 ca, trong đó phần lớn người bệnh tử vong trong năm đầu tiên sau khi phát hiện. Các loại ung thư nguyên phát hệ xương khớp thường gặp nhất theo thứ tự: ung thư xương (Osteosarcoma) chiếm 35%, ung thư sụn (Chondrosarcoma) 25%, ung thư Ewing (Ewing sarcoma) 16%, u mô sợi ác tính (Malignant fibrous histiocytoma) 5%.

Thống kê về ung thư hàng năm của Globocan tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận tỷ lệ về bệnh ung thư xương.

Vùng cẳng chân trái sát đầu gối của nam bệnh nhân sưng to do khối u. Ảnh do bác sĩ cung cấp.

 

 

Chi Lê
Theo vnexpress.net