Tổng Thư ký VASEP nhận định bức tranh thị trường đang sáng dần lên, hy vọng sẽ giúp ngành cá tra khởi sắc hơn trong năm 2022.

Điểm sáng tại thị trường Trung Quốc, Mỹ

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2021 khép lại với hàng loạt khó khăn khó lường với những tác động trực tiếp của đại dịch lên nền kinh tế đất nước trong đó có ngành cá tra. Nếu như năm 2020 ngành cá tra “ mắc cạn” vì lệnh phong tỏa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực thì năm 2021, từ quý III, tác động của đại dịch Covid tại Việt Nam đã khiến cả ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra khó khăn trăm bề.

Bước sang quý III, các doanh nghiệp cá tra đã phải chịu tác động nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch lần thứ tư khi phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài, sau đó dịch lây lan nhanh và mạnh tại các tỉnh ĐBSCL khiến hoạt động nuôi, chế biến và lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất. Dẫn đến toàn bộ các chi phí đầu vào chi phí thức ăn, bao bì, phụ gia,v.v… và chi phí chế biến “ba tại chỗ” làm tăng đáng kể giá thành nuôi trồng và chế biến.

Bên cạnh đó, chi phí cước tàu tăng 8-10 lần; các chi phí phát sinh phòng chống dịch bệnh là những chi phí mà doanh nghiệp không thể lường hết được.

“Cả quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 295 triệu USD giảm 21% so với cùng kỳ. Tác động của dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất xuất khẩu cá tra trong quý III/2021 mà tiếp tục ảnh hưởng kết quả của cả năm 2021. Cụ thể tính đến hết tháng 11/2021 xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,4 tỷ USD tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến mức tăng trưởng cả năm của ngành cá tra 2021 đạt 3% chỉ bằng 1/6 so với mức tăng trưởng của quý 2 và cán đích 1,54 tỷ USD”.

Về thị trường, Tổng Thư ký VASEP dự báo Trung Quốc có thể là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra trong năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng thị trường sẽ vẫn tiếp tục bị tác động do những yếu tố đã được phát hiện trong năm 2021 như chính sách “Zero Covid” khiến các địa phương ngày càng siết chặt việc kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch.

Nếu như xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp bất lợi bởi rào cản kỹ thuật thì sang EU và Anh lại ở khía cạnh cước vận tải 10 lần trong khi giá cá tra xuất khẩu vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, định kiến cá tra là loại cá thịt trắng rẻ tiền làm người tiêu dùng không dễ dàng móc hầu bao để trả cho mức gia tăng giá bán của cá tra. Do đó, trong năm 2022, thị trường EU và Anh sẽ khó tăng trưởng đột biến.

Năm 2021 được xem là năm thành công của cá tra tại thị trường Mỹ khi giữ được mức tăng trưởng cao trong cả năm, tăng cả về lượng và giá xuất khẩu, cụ thể 11 tháng 2021 kim ngạch vào thị trường này đạt gần 324 triệu USD tăng 48% so với cùng kỳ.

Theo ông Trương Đình Hòe, có được kết quả này là nhờ thị trường Mỹ hồi phục nhanh chóng ngay sau khi chính quyền mở cửa; người dân quay lại cuộc sống và trở lại thói quen trước dịch như ăn ở nhà hàng, du lịch…

Tình hình tắc nghẽn của chuỗi logictics trước dịch làm tồn kho trong chuỗi cung ứng tại Mỹ không còn nhiều; nhu cầu cá tra của thị trường Mỹ trong 6 tháng cuối năm 2021 tăng đáng kể. Nhờ vậy, kim ngạch thị trường Mỹ tăng vọt trong nửa cuối năm 2021.

Tổng Thư ký VASEP dự báo xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ ổn định trong năm 2022 nhưng khó đột biến như năm 2021.

Ngoài Mỹ, các thị trường mới của ngành cá tra Việt Nam như Mexico, Brazil, Colombia, Nga và Ai Cập được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và có thể bù đắp phần nào cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc và Châu Âu.

Dự báo này đến từ kết quả xuất khẩu cá tra trong mùa dịch năm 2021 với mức tăng trưởng 2 con số, từ 44-84%, và tổng thị phần của 5 thị trường này chiếm đến 16,3% về kim ngạch xuất khẩu của ngành cá tra trong 11 tháng năm 2021.

Kỳ vọng xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1,7 tỷ USD năm 2022

Cũng theo ông Trương Đình Hòe, giá thức ăn và cá tra duy trì mức cao và tăng giá liên tục làm giá thành nuôi cá tra gia tăng đáng kể. Thêm vào đó, giá con giống cao và tỷ lệ sống thấp do thời tiết là áp lực lớn cho người nuôi cá. Việc thả giống giảm mạnh trong thời kỳ giãn cách xã hội trong quý III/2021 cũng như thời tiết lạnh trong quý IV/2021 dự kiến ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung nguyên liệu trong năm 2022.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
 

Dự báo sản lượng cá nuôi sẽ đạt tương đương năm 2021. Trong khi người nuôi đối mặt với chi phí tăng thì giá xuất khẩu cá tra lại gặp khó trăm bề từ yếu tố thị trường, cước vận chuyển và hàng rào kiểm soát Covid -19

Chính vì vây, giải pháp phát triển nuôi cá tra cho năm 2022 đòi hỏi việc linh hoạt đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid 19 duy trì sản xuất; tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường.

Ngoài ra, áp lực từ việc tăng giá cước tàu một cách phi lý trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt đang tạo áp lực rất lớn cho xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực trong đó có ngành cá tra.

Những kiến nghị Chính phủ quan tâm, có sự can thiệp sâu và hiệu quả hơn nữa đến vấn đề cước phí vận tải quốc tế để tránh đứt gãy xuất khẩu, giúp Doanh nghiệp cá tra chủ động trong kế hoạch sản xuất xuất khẩu năm 2022.

Tổng Thư ký VASEP nhận định bức tranh thị trường đang sáng dần lên, hy vọng sẽ giúp ngành cá tra khởi sắc hơn trong năm 2022 với sự nỗ lực thích ứng của doanh nghiệp dưới cơ chế quyết sách hỗ trợ và linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Với sự lạc quan đó, năm 2022, kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ mang về kim ngạch 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021.

 

Vũ Anh
Theo baophapluat.vn