Đón năm mới trong kiểu thời tiết cực đoan, người dân cần nắm những nguyên tắc sau để phòng ngừa bệnh tật:

Đảm bảo giữ ấm

Nhiệt độ xuống thấp là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý. Trong đó thường gặp nhất là các bệnh viêm đường hô hấp. Nguyên nhân là bởi thời tiết này là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường.

Bên cạnh đó, việc nhiệt độ chênh lệch quá lớn giữa ban đêm - ban ngày, trong phòng - ngoài trời có thể dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt và nghiêm trọng hơn là đột quỵ não.

Do đó, yếu tố hàng đầu trong phòng bệnh vào mùa rét chính là giữ ấm cơ thể. Các khu vực quan trọng nhất cần giữ ấm chính là đầu - mặt - cổ.

Cần đảm bảo mặc đủ ấm, mang thêm găng tay, tất. Hạn chế đi ra ngoài vào lúc thời tiết quá lạnh như sáng sớm hay tối muộn. Tránh để thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là người già, người mắc bệnh nền và trẻ em thì càng cần phải chú ý đến các nguyên tắc phòng bệnh mùa rét.

Tránh lạm dụng rượu bia

Dịp nghỉ Tết Dương lịch khó tránh khỏi những buổi tiệc tùng. Theo các chuyên gia, việc lạm dụng rượu bia vốn đã có hại cho cơ thể sẽ càng nguy hiểm hơn vào những ngày trời rét.

Theo đó, sau khi uống rượu bia, cơ thể sẽ ấm dần lên do nồng độ cồn khiến mạch máu bị giãn ra rồi đến nóng "phừng phừng", nhưng đây lại chính là nguyên nhân khiến người uống bia rượu dễ bị cảm lạnh nếu không biết cách xử lý.

Tình trạng nhiễm lạnh sau uống rượu, nhẹ có thể gây viêm phổi, nặng có thể gây đột quỵ và tử vong.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những tác hại lâu dài lên các cơ quan khác, đặc biệt là gan, thận của đồ uống có cồn.

Đảm bảo sinh hoạt hàng ngày không bị xáo trộn quá nhiều

Việc thời tiết lạnh gây ra nhiều xáo trộn trong chế độ sinh hoạt hàng ngày. Theo nhận định của các chuyên gia, sự thay đổi đột ngột này cũng là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật.

Trước hết, mọi người cần duy trì tập thể dục, vận động thể chất đều đặn. Lưu ý rằng, trong những ngày nhiệt độ xuống quá thấp, không nên ra ngoài tập thể dục vào sáng sớm. Thay vào đó, có thể tập thể dục ở trong nhà.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng, đặc biệt là với những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp thì cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc dinh dưỡng khoa học.

Ngoài ra, có một thực tế là nhiệt độ thấp khiến chúng ta lười uống nước, dẫn đến mất nước. Hiện tượng này làm ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng của cơ thể, cũng như sức đề kháng chống lại bệnh tật. Do đó, cần đảm bảo uống đủ lượng nước theo khuyến cáo.

Bổ sung vi chất để tăng sức đề kháng

Trong mùa lạnh cần chú trọng bổ sung các loại vitamin, để tăng cường sức đề kháng. Các tốt nhất để nạp vi chất dinh dưỡng là tăng cường các loại rau - củ - quả trong khẩu phần ăn.

Bên cạnh đó, vào những ngày thời tiết ấm hơn, chúng ta nên phơi nắng, để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời (ánh nắng nhẹ) khoảng 15-25 phút/ngày có thể tổng hợp 5.000-10.000 UI vitamin D. Vitamin D có vai trò quan trọng trong chống nhiễm khuẩn, tăng cường miễn dịch. Vitamin D chỉ có khoảng 10-15% trong thực phẩm, còn lại 85-90% được tổng hợp khi da tiếp xúc với ánh mặt trời. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như: gan, lòng đỏ trứng, cá, hải sản… cho bữa ăn hàng ngày.

Ngoài ra, cũng có thể bổ sung vi chất bằng thực phẩm chức năng, vitamin tổng hợp. Tuy nhiên, cần tuân thủ đúng khuyến cáo về liều dùng sản phẩm.

 

Minh Nhật
Theo Dân trí