Vào tháng 1/1820, Thaddeus Bellingshausen và Mikhail Lazarev dẫn đầu đoàn thám hiểm đã khám phá ra Nam Cực. Trước đó, sự tồn tại của vùng đất này chỉ dừng ở sự suy đoán.

Đến nay, Nam Cực đã trở thành chủ đề thảo luận của giới chuyên gia cũng như những người mê mạo hiểm suốt nhiều thập kỷ. Và có nhiều điều thú vị về vùng đất này mà không phải ai cũng biết.

Nhổ răng khôn và cắt bỏ ruột thừa

Có thời kỳ, chỉ những ai đã nhổ răng khôn và cắt bỏ ruột thừa mới được tới Nam Cực làm việc. Vào mùa hè, khoảng 1.000 người sẽ ở lại đây, đa phần là nhà nghiên cứu, nhân viên hỗ trợ và người thám hiểm.

Nếu sống ở đây thời gian dài vào mùa đông, bạn phải loại bỏ những bộ phận này ngay cả khi chúng "chưa có vấn đề gì", chủ yếu để phòng khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng xử lý.

Nếu làm việc ở Nam Cực suốt mùa đông dài, các chuyên gia phải loại bỏ răng khôn và ruột thừa (Ảnh: Jim Bumak).

Được biết, quy định "cắt bỏ ruột thừa" xuất hiện từ năm 1950 khi một bác sĩ người Australia bị viêm ruột thừa trên đảo Heard. Năm 1961, một bác sĩ người Nga phải trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa tại trạm Novolazarevskaya, nhưng may mắn đã thành công. Rõ ràng, đây không phải là tình huống các chuyên gia tại đây muốn gặp phải.

Hiện tại, không nhất thiết phải nhổ răng khôn trừ khi nha sĩ xác định chúng có thể gây ra vấn đề.

Nam Cực từng là vùng đất ấm áp

Nhiệt độ lạnh nhất ở Nam Cực từng được ghi nhận là -89,2 độ C. Bởi vậy, khó lòng tưởng tượng nổi nơi này từng là thiên đường ôn đới. Trên thực tế, vùng đất này từng có khí hậu ấm áp như thành phố Melbourne ngày nay.

Các nhà nghiên cứu ước tính cách đây 40 đến 50 triệu năm, nhiệt độ ở đây lên tới 17 đến 20 độ C. Những vết tích hóa thạch còn sót lại cho thấy nơi này từng được bao phủ bởi rừng rậm xanh tốt và là nơi sinh sống của khủng long.

Không có múi giờ cụ thể

Rất khó trả lời về thời gian khi ở Nam Cực. Ở vùng đất này, các đường kinh độ cung cấp những múi giờ khác nhau trên toàn cầu. Hầu hết Nam Cực trải qua 6 tháng ban ngày liên tục vào mùa hè và 6 tháng mùa đông trong bóng tối.

Vùng đất này không có múi giờ cụ thể (Ảnh: Quora).

Các chuyên gia làm việc ở đây thường căn cứ vào múi giờ của quốc gia mà họ khởi hành. Nhưng điều này có thể gây ra một số vấn đề. Ví dụ trên bán đảo Nam Cực, du khách có thể thấy trạm nghiên cứu của Chile, Trung Quốc, Nga, Anh và một số quốc gia khác. Nếu giữ nguyên múi giờ của từng quốc gia, khi cần chia sẻ dữ liệu cho nhau sẽ khó tránh khỏi tình huống "đánh thức" nhau giữa đêm.

Sở hữu "thác máu"

Nam Cực là hoang mạc lớn nhất thế giới và nó cũng có những thác nước "bất thường". Một trong số đó phải kể tới "thác máu" nằm ở vùng thung lũng khô McMurdo.

"Thác máu" ở Nam Cực (Ảnh: News).

Suốt nhiều năm, nguồn gốc của màu đỏ của nước vẫn còn là bí ẩn. Tới năm 2017, các chuyên gia thông báo họ đã tìm ra nguyên nhân. Nước ở đây có màu đỏ do phản ứng của lượng sắt và natri trong nước với oxy khi tiếp xúc với nước. Màu đỏ là do sắt bị oxy hóa giống như cách sắt chuyển sang màu đỏ thẫm khi bị gỉ.

"Bụi kim cương" lơ lửng trong không khí

Dù Nam Cực có lượng mưa rất thấp, nhưng sở hữu nhiều kỳ quan khí tượng. Và "bụi kim cương" trong không khí là một trong số đó.

Hiện tượng "bụi kim cương" ở Nam Cực (Ảnh: WK).

"Bụi kim cương" được tạo thành từ các tinh thể băng nhỏ kết tủa trong không khí ẩm gần bề mặt trái đất. Nó giống như làn sương mù băng giá. Khi các tinh thể băng lơ lửng trong không khí được ánh sáng mặt trời chiếu vào tạo hiệu ứng lấp lánh như triệu viên kim cương nhỏ.  

Huy Hoàng
Theo Dân Trí