Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC), hiện là đơn vị duy nhất được nhập khẩu và phân phối vaccine AstraZeneca tại Việt Nam. 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về Việt Nam, ngày 8/3 bắt đầu tiêm chủng ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống Covid-19 tại 13 tình thành. Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Hệ thống Cung ứng của VNVC, cho biết để đưa được vaccine về Việt Nam, họ đã trải qua hành trình đàm phán nhiều gian nan.

Thay vì chờ đợi các hãng dược hoàn tất quy trình sản xuất, tung thành phẩm ra thị trường rồi mới mua, VNVC chủ động tiếp cận ngay từ sớm, ở giai đoạn nghiên cứu. VNVC kết nối đàm phán với AstraZeneca từ quý 2/2020. Tới ngày 20/11/2020, với sự tạo điều kiện từ Bộ Y tế và nỗ lực giữa các bên, VNVC đã đạt được thỏa thuận, tiến tới ký hợp đồng mua 30 triệu liều.

Như vậy, lúc ký hợp đồng mua, vaccine vẫn "3 chưa": chưa kết thúc nghiên cứu lâm sàng để được khẳng định hiệu quả, chưa định giá, chưa được cấp giấy phép thương mại.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM kiểm tra lọ vaccine AstraZeneca trước khi bắt đầu tiêm chủng, sáng 8/3. Ảnh: Hữu Khoa.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM kiểm tra lọ vaccine AstraZeneca trước khi bắt đầu tiêm chủng, sáng 8/3. Ảnh: Hữu Khoa.

Theo bà Hà, VNVC đầu tư đúng thời điểm vaccine của AstraZeneca đang thử nghiệm giai đoạn 2, gối đầu sang giai đoạn 3. Lúc này, nhiều chuyên gia nhận định, với vaccine nói chung, tỷ lệ thất bại ở giai đoạn 3 "vô cùng lớn". Thực tế đã có nhiều vaccine dù kết quả giai đoạn 2 tốt, nhưng giai đoạn 3 lại không thành công.

Trường hợp AstraZeneca nghiên cứu thất bại, đồng nghĩa với việc VNVC mất trắng khoản tiền đặt cọc. Lúc đó, công ty thêm một phương án là "nếu hãng cần thêm vốn, VNVC sẽ cùng đầu tư" - đây là cách thức hợp tác của nhiều đơn vị với nhà nghiên cứu phát triển vaccine trên thế giới.

Một lãnh đạo của VNVC thừa nhận họ khá "liều mạng" trong cuộc đua mua vaccine. Phía AstraZeneca đưa ra nhiều điều khoản khó khăn về quyền lợi, trách nhiệm, bảo mật... Song, VNVC vẫn chấp nhận rủi ro về kinh tế. Đến khi vaccine về đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều người mới thực sự tin rằng Việt Nam đã có vaccine phòng Covid-19.

"Mất tiền còn kiếm lại được. Nhưng mất cơ hội mua vaccine Covid-19 ở thời điểm này thì mất cơ hội cho cả đất nước vì không tiếp cận được sớm với nguồn vaccine để đạt mục tiêu kép phòng dịch và phát triển kinh tế như Thủ tướng đã chỉ đạo. Nếu không đầu tư ngay sẽ không bao giờ có lần thứ hai", đại diện VNVC chia sẻ.

Theo đại diện VNVC, "không phải doanh nghiệp có tiền là sẽ mua được vaccine", bởi tôn chỉ của các nhà sản xuất vaccine cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chương trình Covax Facility là tiêm chủng bình đẳng. Do đó, các tổ chức này kiểm soát và ngăn chặn tất cả nguy cơ đầu cơ, tích trữ hoặc lợi dụng cho mục đích khác phòng dịch từ hoạt động tiêm chủng.

Đặc biệt, vaccine AstraZeneca có hạn sử dụng chỉ 6 tháng, do đó ngoài vấn đề tài chính, nhà sản xuất còn yêu cầu VNVC chứng minh được năng lực bảo quản, triển khai tiêm chủng hết số lượng vaccine nhập về trong đúng hạn. Do đó bài toán đặt ra cho VNVC là phải đào tạo và huấn luyện kỹ năng vận hành cho 5.000 nhân sự, đảm bảo hệ thống kho lạnh bảo quản an toàn vaccine, phương tiện vận chuyển, chương trình tiêm, kế hoạch theo dõi và chăm sóc sau tiêm, quản trị người tiêm ra sao... Tất cả yêu cầu này VNVC đều phải giải trình chi tiết cho phía AstraZeneca.

Việt Nam là một trong hai nước đầu tiên thuộc ASEAN mua được vaccine AstraZeneca. Trong ảnh là hai kiện vaccine Covid-19 đầu tiên về đến sân bay Tân Sơn Nhất sáng 24/2, được khử khuẩn sau khi ra khỏi máy bay. Ảnh: Hữu Khoa.

Việt Nam là một trong hai nước đầu tiên thuộc ASEAN mua được vaccine AstraZeneca. Trong ảnh là hai kiện vaccine Covid-19 đầu tiên về đến sân bay Tân Sơn Nhất sáng 24/2, được khử khuẩn sau khi ra khỏi máy bay. Ảnh: Hữu Khoa.

Trước đó, VNVC đã đầu tư lớn để triển khai xây mới, nâng cấp hệ thống kho bãi và trung tâm tiêm chủng, đón đầu nhu cầu tiêm chủng Covid-19 toàn dân. Cụ thể, từ 17 trung tâm tiêm chủng, sau một năm, VNVC có 51 trung tâm, với 51 kho lạnh đạt chuẩn GSP, bảo quản tối đa 170 triệu liều vaccine.

Kho lạnh số 2 tại TP HCM được xây mới hoàn toàn trong hai tháng, dành riêng cho các loại vaccine Covid-19. Trong đó, kho lạnh thông thường (2 đến 8 độ C) dùng cho vaccine AstraZeneca và kho 30 tủ siêu lạnh (âm 86 đến âm 40 độ C) công suất bảo quản 3 triệu liều cùng một thời điểm, cho vaccine cần bảo quản âm sâu như Pfizer. Khu vực siêu lạnh này đã hoạt động, được kiểm định chất lượng bởi Bộ Y tế và các hãng dược quốc tế, sẵn sàng cho các hoạt động nhập khẩu độc lập của VNVC.

Khi vaccine cần bảo quản âm sâu được đặt mua thành công, VNVC có thể nhập về ngay mà không gặp trở ngại về điều kiện bảo quản. Tổng chi phí cho kho siêu lạnh khoảng hơn 100 tỷ đồng. Đây cũng là một rủi ro mà VNVC đối đầu, nếu tất cả vaccine Covid-19 đều bảo quản ở 2 đến 8 độ C, thì kho lạnh trăm tỷ này có nguy cơ bị bỏ trống.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khi tiếp nhận lô vaccine đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 24/2, đã đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của hệ thống tiêm chủng VNVC. Ông khẳng định, lô vaccine về rất kịp thời, đáp ứng điều kiện phòng chống dịch khẩn cấp như hiện nay.

Hôm nay, ngày 8/3, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử quốc gia bắt đầu, với những mũi tiêm vaccine AstraZeneca đầu tiên tại Hải Dương, Hà Nội và TP HCM. Lực lượng nhân viên y tế tuyến đầu, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ưu tiên tiêm trước.

Kho lạnh sâu để bảo quản vaccine tại VNVC TP HCM. Ảnh: VNVC

Kho lạnh sâu để bảo quản vaccine tại VNVC TP HCM. Ảnh: VNVC

 

Thư Anh
Theo vnexpress.net