Viettel lý giải kết quả kinh doanh khả quan nhờ đóng góp đáng kể của khối thị trường nước ngoài với nhiều thị trường tăng trưởng hai con số. Ước tính khối các thị trường nước ngoài đóng góp 140 triệu USD doanh thu vào tập đoàn mẹ, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường châu Phi, Halotel - thương hiệu Viettel tại Tanzania tăng trưởng gần 30%, cao nhất trong ba năm trở lại. Trong khi Movitel - thương hiệu Viettel tại Mozambique tăng hơn 26%, cao nhất trong 7 năm qua với số lượng thuê bao đạt kỷ lục hơn 4,5 triệu.

Tại Đông Nam Á, Mytel - thương hiệu Viettel tại Myanmar vượt mốc 10 triệu thuê bao sau hai năm kinh doanh, chiếm gần 30% thị phần.

Năm 2006, Viettel bắt đầu đầu tư ra nước ngoài, tính đến hiện tại công ty viễn thông thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng đã có mặt tại 13 thị trường, trong đó 10 thị trường đóng góp kết quả kinh doanh đáng kể cho công ty.

Trong cơ cấu doanh thu, Đông Nam Á giữ vai trò chủ đạo mang về doanh thu hơn 4.400 tỉ đồng với 1.085 tỉ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm, chiếm hơn 51% doanh thu khối thị trường quốc tế (sụt giảm so với mức 55% năm 2019).

Khối kinh doanh quốc tế của Viettel tại 13 thị trường ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi với quy mô 270 triệu dân. Nguồn: Tổng hợp từ Viettel, Phú Hưng Securities.

Ghi nhận tại báo cáo tài chính của công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (VGI), công ty con nắm mảng quốc tế của Viettel, quý II báo doanh thu 4.308 tỉ đồng - tăng 5,8% tuy nhiên biến động tỷ giá tại nhiều quốc gia khiến VGI lỗ ròng hơn 123 tỉ đồng. Tuy nhiên lũy kế sáu tháng đầu năm, VGI vẫn lãi ròng hơn 779 tỉ đồng, thu hẹp khoản lỗ lũy kế đến 30.6 còn 3.200 tỉ đồng.

Từng có tham vọng mở rộng ra 35 thị trường ngoài Việt Nam tuy nhiên đến hiện tại, lãnh đạo tập đoàn khẳng định sẽ tạm thời ngưng việc mở rộng thị trường mới nhằm tập trung phát triển các thị trường hiện hữu.

Trong một báo cáo cập nhật hồi tháng 7, công ty chứng khoán Phú Hưng đánh giá việc ngừng đầu tư thêm thị trường mới, kỳ vọng VGI sẽ có lợi nhuận dương từ năm 2020.

Theo Phú Hưng Securities, tổng số thuê bao của VGI cuối năm 2019 là 51 triệu (+22%/năm). VGI có 151.000 km tổng chiều dài cáp quang, 55.500 trạm phát sóng, chiếm hơn 90% vùng phủ sóng ở các quốc gia đang hoạt động. Với thị phần lớn và lượng người dùng ổn định, VGI có tiềm năng phát triển thuê bao dữ liệu, dịch vụ số, dịch vụ thanh toán với dư địa lớn để cải thiện biên lợi nhuận trong tương lai.

Trong kế hoạch kinh doanh 2020, Viettel đề ra doanh thu mục tiêu 261.532 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 40.153 tỉ đồng, tăng lần lượt 3,3% và 5,2% so với năm 2019. Kết quả 6 tháng, Viettel đã hoàn thành lần lượt 46% và 49% chỉ tiêu đề ra cho cả năm.  

Tập đoàn cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số trong nội bộ cũng như cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng nhằm hoàn thành chuyển đổi từ công ty viễn thông thành công ty cung cấp dịch vụ số. Hiện nay viễn thông vẫn là mảng kinh doanh chính đóng góp phần lớn doanh thu cho Viettel.

Trong danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu của Forbes Việt Nam vừa công bố mới đây, thương hiệu của Viettel được định giá xấp xỉ 3 tỉ USD, vượt Vinamilk trở thành thương hiệu dẫn đầu danh sách về giá trị.

Theo forbesvietnam.com.vn