Từ 9,5 tấn dâu vô chủ, 22 ngày vẫn tươi

 Ngày 23/7, kiểm tra 3 xe tải do các tài xế Cao Ngọc Tâm (38 tuổi), Vòng Nhật Phúc (33 tuổi) và Nguyễn Thành Luân (28 tuổi) điều khiển, Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) phát hiện 326 thùng xốp có in chữ Trung Quốc, bên trong toàn quả dâu tươi với tổng khối lượng khoảng 3,5 tấn. Các tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ nguồn gốc hàng hóa theo quy định. Họ khai được thuê vận chuyển các thùng xốp này từ Sân bay Liên Khương (Đức Trọng) lên thành phố Đà Lạt, nhưng không biết bên trong có gì.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng thu giữ hơn 6 tấn dâu tây TQ tại sân bay Liên Khương, được vận chuyển từ Cảng Hàng không Nội Bài (Hà Nội) vào Lâm Đồng. Trên các thùng xốp đựng dâu tây có ghi tên người nhận như chị Hằng thác Prenn (0988434xxx), chị Trang Đà Lạt…, tuy nhiên các chủ hàng “lặn” mất tăm. Công an Đức Trọng cho biết đang phối hợp với các ngành liên quan tiến hành điều tra truy tìm, nếu chủ hàng không lộ diện, xuất trình nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, sẽ tiêu hủy toàn bộ 9,5 tấn dâu này.

Ngày 24/7, Công an thành phố Đà Lạt phát hiện, tạm giữ 1 xe tải chở gần 2 tấn dâu tây. Lần này, người đàn ông tên P.T.S (29 tuổi, ngụ TPHCM) xuất hiện, nhận là chủ hàng. P.T.S khai chuyên bán dâu tây trên mạng xã hội, đã mua lô dâu tây này với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg để bán lại. Tuy nhiên, hóa đơn chứng từ mà P.T.S xuất trình lại thể hiện tên chủ hàng là Nguyễn Thị Nhung, dâu được nhập từ Hà Khẩu (TQ) vào Lào Cai với số lượng 10 tấn ( ngày 2/7) với giá chỉ có 5.000 đồng/kg.

Chứng kiến công an khui các thùng xốp đựng dâu tây TQ, ai cũng kinh ngạc, không hiểu vì sao đã qua 22 ngày mà quả vẫn tươi rói như mới hái ngoài vườn. Trong khi đó, chỉ sau vài ngày thu hoạch, dâu tây Đà Lạt đã bị thâm, úng. Trao đổi với PV Tiền Phong, Trưởng phòng Kinh tế (UBND thành phố Đà Lạt) Nguyễn Đức Cứ thông tin, cơ quan chức năng đã lấy mẫu dâu tây đưa đi TPHCM để giám định xem có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất độc hại hay không.

Ông Lê Hữu Đài, Trưởng Công an phường 6 (Đà Lạt) cho biết, qua kiểm tra hành chính một căn nhà trên đường Yết Kiêu do N.T.M.P (25 tuổi, quê Quảng Ngãi) thuê để sử dụng, đơn vị vừa bắt giữ hơn 370 kg quả dâu tây tươi đựng trong các hộp và thùng xốp có chữ Trung Quốc. N.T.M.P cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp của lô hàng. Vị này khai đã mua lại số dâu trên của một người chưa rõ tên tuổi với giá 41 triệu đồng và hàng được vận chuyển đến giao tận nhà.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện dâu tây TQ được dán nhãn khác để xóa đi dấu vết xuất xứ. Chủ hàng cũng thừa nhận mua dâu tây Trung Quốc để bán qua mạng và chuyển ra quầy dâu tây của mẹ ruột ở chợ Đà Lạt bán với giá 100.000 đồng/kg.

Nhiều nông sản Trung Quốc “khoác áo” Đà Lạt

Trung tá Nguyễn Thế Nhật, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm kinh tế Công an Đà Lạt, cho hay, đơn vị vừa chặn bắt chiếc xe tải chở các loại trái cây TQ không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, tạm giữ hơn 660 kg đào, lê, mận, xoài và nho. Tài xế Đ.D.H (trú phường 9, Đà Lạt) khai chở thuê cho chủ hàng Đ.T.H, cũng ngụ ở phường 9.

Theo lãnh đạo cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt, không chỉ trái cây, nhiều loại nông sản khác như khoai tây, cà thảo, cải thảo, bắp cải và các loại mứt giá cực rẻ của TQ cũng được tuồn lên Đà Lạt. Sau khi được “mông má”, “mượn hơi" rau quả, đặc sản Đà Lạt, hàng TQ sẽ được đưa ra chợ hoặc chuyển đi các tỉnh thành khác để bán với giá cao.

“Nếu để nguyên nhãn mác, hàng Trung Quốc để khách tự quyết định mua hay không đi một lẽ, đằng này, các gian thương đều nhập nhằng bỏ xuất xứ Trung Quốc nhằm trà trộn, giả đặc sản Đà Lạt, lừa dối khách hàng. Gian thương có nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi nên việc bắt quả tang rất khó khăn. Do đó du khách, nhà vườn và những người kinh doanh chân chính hãy mạnh dạn tố giác các hành vi gian lận thương mại để cơ quan công an điều tra xử lý”, Trung tá Nguyễn Thế Nhật nói.

Thuốc bảo vệ thực vật vượt 3 lần

Ngày 29/7, Phòng Kinh tế (UBND thành phố Đà Lạt) cho biết Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Lâm Đồng) vừa thông báo kết quả thử nghiệm mẫu dâu tây xuất xứ Trung Quốc lấy từ lô hàng dâu tây của ông P.T.S. Theo đó, qua phân tích 60 chỉ tiêu theo thông tư 50/2016/TT-BYT quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong thực phẩm, có 1 hoạt chất thuốc BVTV (Abamectin có kết quả 0,063 mg/kg) vượt gấp 3 lần giới hạn cho phép.

Kim Anh
Theo Tiền phong