Theo báo cáo của Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC) công bố hôm 13/4, nguồn cung cao su thiên nhiên tháng 3/2021 ước tính cao hơn 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 910.000 tấn, trong khi đó tiêu thụ cao su trong cùng tháng ước tính tăng 7,4% lên 1,23 triệu tấn.

Tổng thư ký Hiệp hội, R.B Premadasa cho biết các nguyên tắc cơ bản của thị trường cao su thiên nhiên đang rất thuận lợi cho giá tăng lên, kể cả đối với các hợp đồng kỳ hạn tương lai và các hợp đồng hàng thực, ngoại trừ cao su giao dịch trên sàn Thượng Hải.

Mặc dù giá cao su physical có xu hướng giảm trong tháng 3 vừa qua, song giá trung bình trong tháng 3/2021 đã tăng so với tháng 2/2021, với mức tăng dao động từ 21,4% đối với loại STR-20 giao dịch ở Bangkok (Thái Lan), 4,1% đối với loại SMR -20 giao dịch ở Kuala Lumpur (Malaysia), 3,2% đối với loại RSS-3 giao dịch ở Bangkok và 6,7% đối với loại RSS-4 giao dịch ở Kottayam (Ấn Độ).

Trước đó, trong tháng 2/2021, giá cao su cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, theo đó giá tham chiếu trên sàn Osaka (Nhật Bản) tăng lên hơn 160 US cent/kg, cao hơn 22% so với mức trung bình 131 US cent của năm 2020.

Tại Việt Nam, giá mủ cao su hôm 9/4 được các thương lái thu mua dao động trong khoảng 315 – 325 đồng/độ mủ. Giá mủ cao su tại Lộc Ninh (Bình Phước) khoảng 315 – 325 đồng/độ mủ; giá mủ cao su Phú Riềng – Bình Phước dao động từ 315 – 325 đồng/ độ mủ; mủ cao su Đồng Phú – Bình Phước đạt 315 – 325 đồng/ độ mủ.

Với tình hình thuận lợi trong những tháng đầu năm, Ông Lê Văn Vui, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long nhận định rằng, giá mủ cao su bình quân trong cả năm nay có thể ở mức 35 triệu đồng/tấn, cao hơn so với dự kiến ban đầu là 33 triệu đồng/tấn.

Theo ông Premadasa, bất chấp những lo ngại về việc số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng ở Ấn Độ và các nước Châu Âu một lần nữa báo động về những tác động tiêu cực từ đại dịch về sức khỏe trên toàn cầu đối với các hoạt động kinh tế, nguy cơ làm chậm lại đà hồi phục trên toàn thế giới, song Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều điều chỉnh tăng dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, trong đó Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu về đà hồi phục sau khi chìm đắm trong nhiều tháng bởi đại dịch Covid-19.

Cùng quan điểm với ANRPC, hãng sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan, Sri Trang Agro-Industry (STA) mới đây cũng dự báo nhu cầu cao su thiên nhiên toàn cầu sẽ hồi phục lên 13,4 triệu tấn trong năm nay, cao hơn 7% so với năm ngoái.

Giám đốc điều hành của Sri Trang, Veerasith Sinchareonkul, cho biết nhu cầu đối với cao su tự nhiên vào năm 2021 có khả năng phục hồi mạnh mẽ khi đại dịch Covid-19 thoái lui. Ông Veerasith cho biết: "Các yếu tố thúc đẩy giá cao su tự nhiên là nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp ô tô ở Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới. Với nhu cầu sản xuất lốp xe và găng tay cao su tăng mạnh sau đại dịch Covid -19, Sri Trang dự kiến tiêu thụ cao su thiên nhiên của hãng năm nay sẽ tăng trung bình 16% so với năm ngoái.

Trung Quốc liên tiếp phát đi những tín hiệu tích cực về sự hồi phục kinh tế. Theo đó, nhập khẩu hàng hóa các loại, trong đó có cao su, vào Trung Quốc trong tháng 3/2021 đạt mức cao kỷ lục trong vòng 4 năm; xuất hàng hóa từ Trung Quốc trong tháng 3 cũng tăng mạnh, bổ sung động lực hồi phục kinh tế cho quốc gia này và chứng tỏ nhu cầu trên toàn cầu đang tăng lên trong bối cảnh việc tiêm chủng vắc xin có nhiều tiến triển. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp của Trung Quốc đạt 1,08 triệu tấn, trị giá 18,08 tỷ USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá dầu thô tăng mạnh trong thời gian qua cũng là cơ sở quan trọng để dự đoán giá cao su sẽ còn tăng tiếp. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu thô đã tăng gần 30%, hiện dầu Brent đạt khoảng 66 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ mỹ (WTI) khoảng 61 USD/thùng, và dự báo sẽ còn tăng do nhu cầu xăng dầu toàn cầu tiếp tục hồi phục. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo công bố hôm 13/4 đã đổi ngược đánh giá về triển vọng nhu cầu dầu trong năm 2021 từ việc liên tục hạ mức dự báo ở các báo cáo trước sang nâng mức dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 thêm 70.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng 3, theo đó dự đoán nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng thêm 5,95 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Thị trường cao su thế giới khởi sắc giúp xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng mạnh. Theo ước tính sơ bộ, xuất khẩu cao su của cả nước trong quý I/2021 đạt khoảng 435 nghìn tấn, trị giá 722 triệu USD, tăng 89,7% về lượng và tăng 116,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu riêng trong tháng 3 ước tính đạt 140 nghìn tấn, trị giá 243 triệu USD, tăng 33,6% về lượng và tăng 40,3% về trị giá so với tháng 2/2021; so với tháng 3/2020 tăng 130,7% về lượng và tăng 178,5% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân tăng 5% so với tháng 2/2021 và tăng 20,7% so với tháng 3/2020, lên mức 1.736 USD/tấn.

Xuất khẩu cao su Campuchia quý I cũng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 45.965 tấn, chủ yếu sang Malaysia, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.

Về triển vọng ngắn hạn, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vẫn là trở ngại lớn đối với nhu cầu cao su, nhất là dịch bệnh ở Liên minh Châu Âu, Ấn Độ và Brazil. Bên cạnh đó, giá dầu bấp bênh và những vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu đang ngày càng sáng lên. Nhà đầu tư trước mắt sẽ theo dõi sát tình hình tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ.

Trong trung hạn, triển vọng thị trường cao su vẫn tích cực do yếu tố cung cầu đang trong xu hướng tái cân bằng dần dần. Tính chu kỳ của thị trường cao su có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của diện tích cao su, nhất là diện tích cao su trưởng thành. Tổng diện tích cây trưởng thành chiếm giữ ở các Quốc gia Thành viên ANRPC dự kiến sẽ ổn định vào năm 2023 hoặc 2024. Giai đoạn sau năm 2024 dự kiến sẽ chứng kiến sự suy giảm ở diện tích cây trưởng thành (tức là khả năng sản xuất). Điều đó có nghĩa nguồn cung cao su sẽ thu hẹp dần đến năm 2024 và không tăng thêm kể từ 2024 trở đi.

Nguồn cung toàn cầu eo hẹp do sự đình trệ và thu hẹp của các diện tích cao su trưởng thành có thể tiếp tục trong khoảng 8 đến 10 năm, bắt đầu từ khoảng giữa những năm 2020. Nguồn cung thắt chặt trong thời gian dài có thể bắt đầu sớm hơn tùy thuộc vào sự tăng trưởng của nhu cầu toàn cầu về cao su.

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị