Trong buổi họp báo cách đây ít ngày, LG đã liệt kê các startup liên quan đến metaverse thuộc dự án ươm mầm của công ty Hàn Quốc. Trong danh sách này có iQ3, công ty xây dựng các chương trình đào tạo trong môi trường thực tế ảo và IM3, mục tiêu tạo ra trải nghiệm du lịch trong metaverse.

Hyundai, hãng xe hơi Hàn Quốc còn giới thiệu khái niệm metamobility, kết hợp metaverse và di động với mục tiêu thâm nhập lĩnh vực mới.

Năm 2021, Hyundai đã mua lại hãng sản xuất robot Boston Dynamics từ nhà mạng SoftBank. Tại Las Vegas (Mỹ), hãng xe Hàn Quốc lấy chú chó robot Spot để mô tả một "tương lai metaverse", nơi robot đóng vai trò liên kết thế giới thực và ảo.

Hãng xe Hyundai trình diễn khái niệm kết hợp metaverse với di động tại CES 2022. Ảnh: Hyundai.

Ví dụ, một chiếc xe robot có thể trở thành phương tiện di chuyển cá nhân, cung cấp ứng dụng văn phòng hoặc giải trí để người dùng tương tác với bạn bè trong thế giới ảo khi đang di chuyển trong thế giới thực.

Theo Nikkei, sẽ mất nhiều năm để Hyundai hiện thực hóa metamobility. Tại gian hàng của Hyundai ở CES 2022, sự tương tác giữa người và robot vẫn phụ thuộc vào màn hình.

Trong khi đó, Panasonic gia nhập metaverse ở mảng phần cứng. Công ty Nhật Bản giới thiệu kính thực tế ảo MeganeX với trọng lượng 28 g, nhẹ hơn nhiều so với các loại kính phổ biến như Oculus Quest 2 của Facebook (503 g).

"Panasonic cần thị trường mới, khách hàng mới và sản phẩm mới... Chúng tôi tin metaverse có tiềm năng kinh doanh lớn, mọi người sẽ dành nhiều thời gian cho chúng", Takuma Iwasa, CEO Shiftall, công ty con của Panasonic, chuyên sản xuất và phát triển thiết bị VR chia sẻ. MeganeX dự kiến lên kệ tại Mỹ vào cuối năm nay.

2021 là năm khái niệm metaverse (thế giới ảo) nổi lên nhờ các hãng công nghệ lớn. Trong khi Facebook đổi tên thành Meta để phản ánh hướng đi mới, Microsoft và nhiều công ty khác cũng bày tỏ quan tâm đến metaverse, cho rằng đây là tương lai của Internet.

Trong cuốn tiểu thuyết về khoa học viễn tưởng Snow Crash năm 1992, tác giả Neal Stephenson mô tả metaverse là thế giới ảo, nơi con người tương tác với nhau dưới dạng kỹ thuật số. Tuy nhiên, chưa thể đưa ra khái niệm rõ nhất về metaverse khi mỗi hãng công nghệ có cách mô tả, giải thích khác nhau.

Kính thực tế ảo MeganeX của Panasonic (trái) nhỏ gọn hơn nhiều so với Oculus Quest 2. Ảnh: Nikkei.

Tuy nhiều công ty đang tìm kiếm định nghĩa chuẩn xác cho metaverse, hầu hết thừa nhận khái niệm này có tiềm năng khai thác kinh doanh rất lớn.

"Tôi không nghĩ metaverse nên được định nghĩa vào lúc này. Nó vẫn đang phát triển", Sokwoo Rhee, lãnh đạo LG Nova, công ty con về sáng tạo, đổi mới của LG tại Thung lũng Silicon chia sẻ. Dù chưa hình dung cách kết hợp metaverse vào hoạt động kinh doanh của LG, Rhee bày tỏ hy vọng metaverse sẽ định hình con đường tăng trưởng của LG trong tương lai.

Khi nhiều công ty gia nhập metaverse, Edo Segal, CEO Touchcast, startup cung cấp không gian tổ chức sự kiện trong metaverse, cho rằng không phải công ty nào cũng sẽ thành công. Tuy nhiên, quan trọng là doanh nghiệp phải thử nghiệm sớm để đi trước đối thủ, tương tự việc một công ty thành lập website vào những năm 1990.

"Bạn có thể chờ đợi, nhưng trong lúc đợi sẽ có kẻ khác đến trước và ăn miếng bánh kinh doanh ấy", Segal nhận định.

Phúc Thịnh (Nguồn Nikkei)
Theo zingnews