Nhân viên Công ty FPT Software tại Nhật Bản triển khai dự án cho khách hàng - Ảnh: VÂN ANH
Nhân viên Công ty FPT Software tại Nhật Bản triển khai dự án cho khách hàng - Ảnh: VÂN ANH

 

“Hi vọng các doanh nghiệp sẽ không bao giờ quên giai đoạn khó khăn này và biến kỹ thuật số trở thành trung tâm của cuộc sống.

 

Ông Lê Hồng Minh (CEO Công ty VNG)

Giành hợp đồng triệu USD từ khu cách ly

Tháng 3-2020, một nhóm dự án của Công ty FPT Software về nước giữa mùa dịch và phải đi cách ly. Thế nhưng họ lại nhận thành quả là tin vui khi vượt qua nhiều tập đoàn lớn để hợp đồng mới ký có giá trị lớn với một trong hai công ty sản xuất thiết bị y tế lâu đời lớn nhất Nhật Bản.

Trước đó, thời điểm khách hàng đồng ý soạn hợp đồng cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu.

Đoàn Ngọc Thuyết, kỹ sư cầu nối của dự án, chia sẻ giai đoạn chờ kết quả từ phía khách hàng cũng là thời điểm Chính phủ Việt Nam phát lệnh đóng đường bay từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Nhóm thầu phải gửi thư xin khách hàng về sớm 1 tuần so với thời gian cam kết. Công việc chưa xong, kết quả chưa có mà đã phải về nước khiến cả đội vô cùng lo lắng... mãi cho đến khi vỡ òa vì có kết quả tốt.

FPT Software là đơn vị đầu tiên được khách hàng trao dịch vụ thuê ngoài (outsource). Phía khách hàng đánh giá dự án mang tầm chiến lược, việc đám mây hóa (cloud) các ứng dụng không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để nâng cao doanh số thiết bị bán ra, giúp người dùng sử dụng sản phẩm thấy sự tiện lợi, khác biệt. Với một khách hàng lớn, tầm cỡ toàn cầu, dự án là bước đệm để mở thêm nhiều đầu việc mới, mở hướng đi cho FPT tại thị trường này.

Một số công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam khác cũng "vượt khó", kiếm thêm được nhiều khách hàng mới. Tính đến nay, lượng khách hàng đang sử dụng các giải pháp của Công ty phần mềm MISA là 250.000 đơn vị, trong đó có 175.000 doanh nghiệp và 20.000 hộ cá thể. Điểm nổi bật là 30% lượng khách hàng được phát triển mới trong 9 tháng đầu năm nay.

Hay như TMA Solutions với Trung tâm phát triển phần mềm cho xe hơi vừa tiếp tục giành được những hợp tác với các tập đoàn mạnh trong lĩnh vực xe hơi hàng đầu thế giới như: Asin AW (Nhật Bản) - công ty số 1 thế giới về sản xuất hệ thống dẫn đường và hộp số xe hơi; LGE - sản phẩm điện tử, công nghệ; Clarion (Nhật Bản) - chuyên sản xuất sản phẩm công nghệ cao cho hệ thống giải trí và thông tin trên xe hơi...

Biến nghịch cảnh thành cơ hội

Tính đến hết quý 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng đưa sản phẩm, dịch vụ thành công.

ACheckin là một giải pháp đồng bộ hóa việc chấm công, quản lý nhân sự, dự án, truyền thông nội bộ trong một nền tảng duy nhất. Ra đời từ cuối năm 2019, có không nhiều khách hàng. Nhưng vào tháng 3-2020, khi dịch bùng lên, ACheckin nhanh chóng được trang bị thêm tính năng làm việc từ xa. Hơn 450 đối tác khách hàng đăng ký và sử dụng - tăng trưởng gấp 6 lần chỉ trong 2 tháng. "Đến thời điểm này, đã có hơn 1.500 doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ. Trong đó có một số doanh nghiệp lớn" - bà Lý Bảo Linh, đại diện dự án ACheckin, vui mừng chia sẻ.

Cuối tháng 3-2020, ngay lúc dịch bệnh tại Việt Nam căng thẳng nhất, start-up y tế trực tuyến eDoctor cũng được rót vốn từ 4 quỹ đầu tư ngoại lớn. eDoctor hiện đang cung cấp các dịch vụ như: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, đặt lịch khám trực tuyến, cung cấp dịch vụ bán thuốc trực tuyến, giao hàng tận nhà cho người dân... được đánh giá cao.

Theo một khảo sát của TopDev - đơn vị chuyên tuyển dụng và nghiên cứu thị trường tuyển dụng CNTT, hơn 60% các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam được đánh giá là "thích ứng nhanh" với các giải pháp quản lý công việc và nhân sự lấy công nghệ làm cốt lõi. Điều này cho thấy các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm tại Việt Nam đang duy trì ở mức ổn định, có tiềm năng phát triển và thu hút đầu tư.

Thêm nhiều sản phẩm mới

Nếu như năm 2019 nhu cầu chấm công qua điện thoại di động vẫn còn rất mới mẻ, bước sang năm 2020 số lượng doanh nghiệp tìm đến giải pháp này tăng vọt. "Trước đây Tanca chủ yếu phục vụ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì nay nhiều khách hàng lớn đã bắt đầu áp dụng Tanca không chỉ trong COVID-19 và còn trong lâu dài. Điều này cho thấy thị trường phần mềm dành cho doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất lớn và tôi tin rằng còn nhiều cơ hội cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo khác" - Trần Viết Quân, nhà sáng lập ứng dụng Tanca.io, cho biết.

Chuyển từ "làm thuê" lên "làm chủ"

Hơn chục năm nay, Việt Nam luôn là một trong những điểm đến nổi bật ở châu Á đối với ngành gia công phần mềm. Đơn đặt hàng gia công đến chủ yếu từ các doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các khu vực nêu trên bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên gia công phần mềm lâu năm tại Việt Nam cho biết nhiều công ty phần mềm lớn của Việt Nam bị cắt khá nhiều đơn hàng và phải điều chỉnh nhân sự. Và không ít công ty đã dần chuyển hướng thành nhà cung cấp giải pháp, tự xây dựng, phát triển phần mềm, giải pháp riêng của mình, từng bước chuyển từ đi "làm thuê" sang "làm chủ cuộc chơi".

Chẳng hạn, Aris Việt Nam là công ty chuyên về phát triển các ứng dụng di động cho hầu hết các nền tảng, các loại thiết bị di động khác nhau; cung cấp các dịch vụ về phát triển phần mềm theo yêu cầu, kiểm thử phần mềm. Ông Trần Tuấn Nhật, giám đốc Công ty Aris Việt Nam, cho biết nhờ chuyển hướng, lượng công việc vẫn được duy trì và Aris vẫn đảm bảo được hoạt động kinh doanh ổn định.

 

ĐỨC THIỆN
Theo Tuổi trẻ