Ngay sau khi Tokyo được chọn làm thành phố đăng cai Olympic 2020, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành kế hoạch phô diễn công nghệ với sự ủng hộ nhiệt thành của những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao nước này.

Đây là cách tiếp cận hợp lý. Olympic Bắc Kinh 2008 thể hiện tiềm lực của nước chủ nhà Trung Quốc trên quy mô lớn, trong khi London 2012 lại mang đến tính hài hước đặc trưng của người Anh. Với Nhật Bản, đây là cơ hội thể hiện công nghệ robot, tự động hóa và tính toán tối tân.

Robot đón khách triển khai ở sân bay Haneda tại Tokyo. Ảnh: Reuters.

Robot đón khách triển khai ở sân bay Haneda tại Tokyo. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Nhật còn lên kế hoạch tổ chức triển lãm trưng bày 200 tiến bộ công nghệ, nhưng lượng khách tham quan rất ít do quyết định cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản trong kỳ Olympic để đối phó Covid-19.

"Olympic đáng lẽ là cơ hội để Nhật Bản phô diễn sự tiến bộ về công nghệ, giống cách chúng tôi làm khi ra mắt tàu cao tốc tại Olympic Tokyo 1964. Tôi nghĩ thành tựu lớn nhất bây giờ là tổ chức được sự kiện. Đó là điều đáng mừng", Morinosuke Kawaguchi, chiến lược gia công nghệ và giảng viên Viện Công nghệ Tokyo, nhận xét.

Sự trỗi dậy của máy móc

Lễ khai mạc Olympic vào tối nay (23/7) nhiều khả năng sẽ là cơ hội để Nhật Bản trình diễn năng lực công nghệ, kết hợp với thể hiện quyền lực mềm thông qua âm nhạc và các nhân vật văn hóa trong truyện tranh và game. Những hạn chế phòng chống Covid-19 có thể khiến phần lớn buổi lễ được trình diễn qua màn ảnh.

Trong giai đoạn trước sự kiện, Toyota đã triển khai xe điện tự lái e-Palette để đưa đón vận động viên và quan chức giữa Làng Olympic và những nơi họ cần đến. Mẫu xe này ra mắt năm 2018 và được thiết kế để trở thành tiêu chuẩn cho những ứng dụng trong lĩnh vực di động như là một dịch vụ (MaaS). Olympic Tokyo là một trong những sự kiện đầu tiên triển khai e-Palette thực tế, dù các xe vẫn cần có một người vận hành để giám sát hoạt động.

Mỗi chiếc e-Palette có thể chở tối đa 20 người hoặc 4 người ngồi xe lăn, chạy bằng pin Li-ion sạc được với tầm hoạt động khoảng 150 km. Toyota đang triển khai 3.700 phương tiện đưa đón vận động viên tại Olympic, 90% trong số đó dùng động cơ điện.

Robot với đủ hình dáng và kích thước cũng xuất hiện khắp các khu vực tổ chức, từ chào đón các đoàn thể thao tại sân bay đến thu hồi các cây lao cho vận động viên thi đấu.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bên cạnh một robot ở sân bay Haneda. Ảnh: Kyodo.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bên cạnh một robot ở sân bay Haneda. Ảnh: Kyodo.

Phiên bản điều khiển từ xa của linh vật Miratowa và Someity sẽ được triển khai ở nhiều địa điểm, dù các biện pháp ngăn Covid-19 sẽ khiến chúng không được tương tác với khán giả. Các robot đều được trang bị camera có khả năng nhận diện biểu cảm khuôn mặt và có thể phản hồi bằng cách gật đầu, bắt tay hoặc nháy mắt.

Robot Vận chuyển Hậu cần sẽ cung cấp đồ ăn, thức uống cho những người có mặt tại sân vận động, dù chúng sẽ ít công việc hơn.

Nhận diện khuôn mặt

Công nghệ nhận diện khuôn mặt của NEC sẽ tăng tốc thực hiện quy trình nhập cảnh cho các vận động viên và quan chức đến Nhật Bản bằng chuyến bay của hãng ANA, Swiss International Air Lines và Lufthansa. Hệ thống sử dụng chứng nhận sinh chắc học, cho phép hành khách lên máy bay mà không cần trình hộ chiếu hoặc vé.

Công nghệ này có độ chính xác 99,9% với những người đeo khẩu trang che kín mặt. Phát ngôn viên NEC cho biết công nghệ nhận diện vừa tăng tính tiện dụng, vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, do người sử dụng không cần tháo khẩu trang khi đến những nơi như văn phòng, sân bay và sân vận động.

An ninh là một trong những lo ngại lớn nhất với các nhà tổ chức. Cảnh sát Nhật Bản đã triển khai một khí cầu trang bị hàng loạt camera giám sát ở khu vực tổ chức nhiều môn thi đấu dưới nước ở thủ đô Tokyo. Nó có thể theo dõi lưu lượng giao thông, phát hiện tai nạn hoặc những dấu hiệu về hành động nguy hiểm.

Hai công ty an ninh tư nhân lớn nhất Nhật Bản, gồm Secom và Sohgo Security Services (Alsok) đang triển khai 14.000 nhân viên cho Olympic.

Xe điện tự lái chuẩn bị cho Olympic Tokyo. Ảnh: AFP.

Xe điện tự lái chuẩn bị cho Olympic Tokyo. Ảnh: AFP.

Nhân viên Secom mang smartphone gắn áo, biến họ thành camera di động. Dữ liệu từ mỗi người sẽ được chia sẻ với trung tâm điều hành, tại đó, AI sẽ phân tích hình ảnh và đánh dấu những người có hành vi khả nghi. Alsok dùng công nghệ drone để giảm tải cho lực lượng an ninh. Mỗi chiếc drone có thể vận hành ở độ cao 50 - 70 m trong tối đa 8 tiếng, đủ sức giám sát khu vực có bán kính 3 km.

Giới chức Nhật Bản từ chối bình luận về thông tin có nhiều "sát thủ drone" được triển khai, sẵn sàng bắn hạ những loại flycam hoạt động trái phép gần nơi tổ chức các cuộc thi đấu Olympic.

Tấn công mạng

Các nhà tổ chức đang theo dõi chặt chẽ nguy cơ tấn công mạng. Trung tâm Quốc gia về Chiến lược An ninh mạng và Sẵn sàng ứng phó sự cố của Nhật Bản (NISC) tháng trước cho biết tin tặc đã tiếp cận được dữ liệu riêng của 170 người liên quan đến Olympic Tokyo.

Các kỳ Olympic cũng từng là mục tiêu trong quá khứ. Malware có tên "Olympic Destroyer" đã tấn công nhiều hệ thống máy tính ở Olympic Mùa đông Pyeongchang tổ chức ở Hàn Quốc năm 2018, gây ra hàng loạt vấn đề như đình trệ bán vé. Tại Olympic Rio 2016, các điểm truy cập Wi-Fi giả mạo đã xuất hiện để đánh cắp thông tin cá nhân của khán giả.

NISC đã chuẩn bị nguy cơ này, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo các cuộc tấn công mạng có thể không bị phát hiện và có khả năng đánh bại mọi lưới phòng thủ do giới chức Nhật Bản chuẩn bị.

 

Điệp Anh (Nguồn SCMP)
Theo vnexpress.net