Dữ liệu từ báo cáo của DPD Group cho thấy Việt Nam vượt trội về lượng đơn hàng mua trực tuyến với trung bình 104 lần/người/năm. Trong khi đó, con số trung bình của người dùng 6 quốc gia được khảo sát là 66 lần/năm. Cụ thể, người Singapore mua khoảng 52 đơn, Philippines 58 đơn, Thái Lan 75 đơn mỗi năm.

“Các loại sản phẩm được người Việt lựa chọn nhiều là ngành hàng tiêu dùng nhanh, giày dép và thời trang”, báo cáo của DPD Group cho biết. Trong khi đó, Statista thống kê Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực về quy mô thị trường thương mại điện tử, sau Indonesia.

Trung bình, khách hàng tại Việt Nam mua 104 sản phẩm qua các nền tảng trực tuyến mỗi năm. Ảnh: DPC & Ninja Van.

Chi tiêu dành cho mua sắm trực tuyến cũng cho thấy xu hướng tăng lên. Sách trắng TMĐT năm 2021 do Bộ Công Thương phát hành cho thấy trong khi lượng khách hàng dành ra dưới 1 triệu đồng để mua sắm trực tuyến đã giảm (từ 26% năm 2019 xuống chỉ còn 16% năm 2020), tỉ lệ người tiêu dùng mua sắm 1-3 triệu đồng, 3-5 triệu đồng và trên 5 triệu đồng được ghi nhận tăng cao.

Thống kê về thói quen mua sắm trực tuyến và giao hàng được DPD Group phối hợp cùng Ninja Van thực hiện trên 9.000 người dùng đến từ Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, lĩnh vực kinh doanh này đang phát triển nhanh tại khu vực Đông Nam Á với 70 triệu người dùng, dự báo tăng lên 380 triệu vào năm 2026.

Đồng thời, báo cáo về thương mại điện tử 2021 của nền tảng Lazada cho biết quy mô thị trường Việt Nam đạt khoảng 13 tỷ USD. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 39 tỷ USD vào năm 2025.

“Các khó khăn trong đại dịch đã thúc đẩy người tiêu dùng gia tăng tần suất sử dụng các nền tảng số và chi tiêu trực tuyến nhiều hơn”, Lazada cho biết.

Theo đó, trong nửa đầu 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến mới, với 55% đến từ khu vực thành thị. “Những người mua sắm trực tuyến thuộc nhóm có hiểu biết và kinh nghiệm cao. Độ tuổi trung bình của khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam là 36”, DPD Group cho biết.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mua sắm tại cửa hàng giảm từ 76% năm 2019 xuống 67% vào cuối năm 2021, theo báo cáo của PwC. Trong khi đó, mua hàng qua các nền tảng trực truyến và điện thoại thông minh tăng từ 55% lên 69%

Đồng thời, dịch vụ vận chuyển cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định mua hàng trực tuyến. Thống kê cho thấy 38% trong hơn 9.000 người tham gia khảo sát cho rằng giao hàng miễn phí là động lực quan trọng để mua hàng online.

Phần lớn khách hàng lựa chọn mua sắm online vì tiết kiệm hơn các hình thức khác. “Tuy nhiên ngoài lợi thế giá bán, trải nghiệm trên các nền tảng thương mại điện tử đang không được quan tâm đúng mức”, DPD Group cho biết.

Xuân Sang
Theo zingnews