Nghệ thuật bonsai đã có một lịch sử rất lâu đời, nó thực chất bắt nguồn từ Trung Quốc, thay vì Nhật Bản. Vào thế kỷ thứ 6 – thời nhà Đường – người Trung Quốc đã bắt đầu thú chơi kết hợp các loại cây cảnh gỗ và đá tạo thành tiểu cảnh trong chậu nhỏ.

Chính vì vậy, hiểu một cách đơn giản, bonsai là một nghệ thuật khống chế, thu nhỏ kích thước của các loại cây thông thường, để tạo nên biểu tượng của tự nhiên và thời gian nằm gọn trong một chiếc chậu nhỏ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Hồng Sơn (Thanh Trì, Hà Nội), một người yêu cây cảnh thực thụ. Anh Sơn đã có thời gian gắn bó với cây cảnh nhiều năm và đi rất nhiều nơi học hỏi cách chơi bonsai hiện đại. Hiện tại anh Sơn đang sở hữu một khu vườn rộng 4.000m2 và một "dàn" cây độc đáo trên tầng 7 – nơi trưng bày những cây bonsai nhỏ và tầm trung.

Anh Sơn cho biết, chơi bonsai theo tiểu chuẩn quốc tế phải “nhất trái nhì hoa” vì cây lên chậu ra hoa đã khó, ra quả lại cực kì khó, đòi hỏi người chơi cây phải có một kiến thức nhất định cũng như sự kiên nhẫn.

“Giá trị của cây bonsai một phần lớn nằm ở độ khó và những kỹ thuật đòi hỏi người chơi phải nắm để có thể trồng, tạo hình và chăm sóc thuần thục, bao gồm: tưới nước, cắt tỉa, uốn nắn, thay chậu hay cao hơn là tạo thành những tiểu cảnh đẹp mặt bằng cách ghép đá, rêu và những cây bonsai khác”, anh Sơn cho biết.

Tất cả những kỹ thuật này cần nhiều năm để học và đương nhiên cũng mất thêm rất nhiều năm để "đào tạo" một cái cây tự nhiên trở thành một chậu bonsai với dáng, thế nghệ thuật và đẹp mắt.

Trong suốt quá trình này bất cứ một lỗi nhỏ nào do chủ quan hay khách quan đều có thể vĩnh viễn làm mất tạo hình của cây thậm chí là chết cây, điều này đồng nghĩa với việc công sức bỏ ra sau nhiều năm trời bị đổ xuống sông xuống biển, anh Sơn chia sẻ.

Cũng theo anh Sơn, kỹ năng khó nhất trong môn nghệ thuật này chính là… sự kiên nhẫn. Cây bonsai liên tục thay đổi, theo cách mà ta chăm sóc và điều khiển chúng. Do đó, khác với vẻ bề ngoài, bonsai không hề ổn định và bất biến.

"Tôi chăm sóc cây dù đã thành phẩm hay mới chỉ là phôi hay mua về tạo tác lại đều nói không với nôn nóng bởi cây phải mất vài năm mới hình thành bộ rễ và ổn định dáng thế. Đó chỉ là những kết quả đầu tiên, để cây hoàn chỉnh phải tính bằng thập kỷ", anh Sơn nói.

Bên cạnh sự kỳ công trong khâu chăm sóc cũng như thời gian kéo dài để gặt hái được thành quả, thì một nguyên nhân khác khiến cây bonsai đắt đỏ chính là giá thành của các loại chậu, dụng cụ để chăm sóc cây, bởi hầu hết chúng đều là sản phẩm được làm thủ công và đòi hỏi chất lượng rất cao.

Anh Sơn tâm sự: “Hơn tất cả mọi thứ, bonsai là một loại hình nghệ thuật, nên thứ thực sự tạo nên giá trị, cũng là thứ mà khách hàng quan tâm nhất chính là vẻ đẹp cũng như tư tưởng mà người nghệ nhân gửi gắm vào sản phẩm của mình”.

Dưới đây là bộ sưu tập bonsai hoa, trái kích thước nhỏ nhưng giá "khủng" của anh Đặng Hồng Sơn:

Hàng chục tác phẩm bonsai hoa, trái trên tầng 7 nhà anh Đặng Hồng Sơn (Thanh Trì, Hà Nội) rất có giá trị dù cây nhỏ và tầm trung

Nơi đây hội tụ những cây đặc sắc của các vùng miền như tùng, trang, mai chiếu thủy, linh sam, hải châu… tất cả chúng đều được anh Sơn nuôi dưỡng, tạo tác

Các tác phẩm đều đã hoàn thiện và đều có tuổi đời hàng chục năm “để có một tác phẩm hoàn thiện đã khó nhưng để có một vườn cây như thế này đòi hỏi sự kỳ công ngoài tiền bạc ra”, anh Sơn nói.

Đứng bên cây tùng dáng thác đổ, anh Sơn cho biết, để có một cây tùng thác đổ dài hơn 2m như thế này nó phải được nuôi trồng, uốn nắn từ nhỏ chứ không phải ghép tay cành từ phôi. Nuôi dáng trực đã khó, nuôi dáng đổ khó gấp nhiều lần.

Tác phẩm bằng lăng nổi u cục có tuổi đời trên 100 năm, được khai thác ở trên núi

Do nằm trên núi hơn 100 năm nên thân tạo những hang động liền mít. Những hang động này do thiên nhiên ban tặng chứ không phải những vết đục đẽo

Cây mai tứ quý tạo dáng bonsai theo cây bài miền Nam, một cây mai lùn tịt mà tay cành như thế này đòi hỏi người nghệ nhân phải giỏi và thực sự kiên trì vì cành mai rất giòn, uốn nắn khó.

Tác phẩm hồng ngọc mai rất độc đáo “nhỏ nhưng có võ”. Cây hồng ngọc mai cho hoa theo từng chùm từ 3-5 bông; hoa nhỏ, màu hồng hay đỏ, 5 cánh, nhị và nhụy màu vàng, có hương thơm dễ chịu, quả chín đỏ rất đẹp

Hai cây trang vàng có tuổi đời 40 – 50 năm. Trang vàng khó hơn trang đỏ vì trang vàng phát triển chậm hơn trang đỏ. Chính vì vậy, trang vàng rất hiếm trên thị trường

Những tác phẩm bonsai có nguồn gốc ở rừng thường có lá nhỏ, thân già cỗi

Nhìn nhỏ nhưng giá của chúng từ vào chục triệu đến vài trăm triệu đồng, có cây lên đến tiền tỷ

Theo anh Sơn, đã chơi cây phải có hoa và trái – đó mới là phong cách chơi cây quốc tế vì cây đã lên chậu để đậu hoa và trái khó gấp nhiều lần cây trồng mặt đất nên giá của chúng cũng không hề rẻ.

Theo dân trí