Hôm 16/8, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã ghi nhận kỷ lục mới. Nguyên nhân là nhu cầu tăng vọt do thời tiết nắng nóng và Nga thực hiện cắt giảm nguồn cung.

Kể từ tháng 6, dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu đã sụt giảm đáng kể. Moscow cắt giảm tới 80% lưu lượng khí đốt đi qua đường ống Nord Stream. Lo sợ khủng hoảng nguồn cung, Liên minh châu Âu (EU) gấp rút thực hiện kế hoạch tiết kiệm khí đốt ngay từ bây giờ cho mùa đông sắp tới.

Tại Mỹ, giá khí đốt tự nhiên tương lai cũng vừa tăng lên mức cao nhất trong vòng 14 năm, cao hơn một năm trước đó 150%.

Tuy nhiên, kế hoạch dự trữ khí đốt cho mùa đông của châu Âu đang bị đe dọa bởi đợt nắng nóng kéo dài trong mùa hè. Nhiệt độ cao đã thúc đẩy nhu cầu khí đốt ở châu Âu và Bắc Á, buộc các công ty phải tranh giành những lô hàng LNG được vận chuyển bằng đường biển. Điều này đẩy giá LNG lên cao hơn nữa.

Giá khí đốt tương lai tại châu Âu.

Thời tiết nóng, khô và oi bức còn tạo ra nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, các nhà máy hạt nhân ở Pháp không đủ nước để làm mát. Mực nước của hồ thủy điện, đặc biệt là tại Na Uy, cũng khá thấp. Nhiều tàu chở hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu của Đức hoạt động cầm chừng vì sông cạn nước.

Theo WSJ, Đức có kế hoạch hoãn việc đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra.

Giá khí đốt tương lai tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng lên mức cao kỷ lục (tính theo đồng euro), vượt đỉnh cũ được thiết lập vào ngày 7/3, ngay sau khi Nga đổ quân vào Ukraine. Giá điện trên khắp châu Âu cũng tăng mạnh do tác động của giá khí đốt.

Giá tăng cao đang tác động mạnh đến những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Hôm 16/8, công ty sản xuất kẽm Nyrstar cho biết sẽ ngừng hoạt động luyện kẽm ở Hà Lan từ ngày 1/9. Công ty đang vật lộn khi chi phí điện tăng gấp 10 lần. Để đối phó, Nyrstar buộc phải tăng giá bán kẽm.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế của Đức đang ngày càng u ám do nguy cơ nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga giảm mạnh và giá năng lượng tăng cao. Theo ông Andrew Kenningham - nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại công ty tư vấn Capital Economics, các số liệu cho thấy Đức không thể tránh khỏi một cuộc suy thoái trong năm nay. Bởi giá năng lượng cao đã tác động mạnh tới các hộ gia đình và ngành công nghiệp.

Các nền kinh tế ở Trung và Đông Âu, vốn phụ thuộc vào dầu khí Nga, chịu tác động lớn nhất. Tháng trước, Moody’s Investors Service đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Séc từ mức ổn định xuống mức âm. Hãng này cho rằng nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc.

Theo Gas Infrastructure Europe, các kho khí đốt của EU gần như đã đầy 75%, trên đà đạt mục tiêu 80% vào ngày 1/11. Tuy nhiên, tình trạng nắng nóng đang khiến tình hình ngày càng khó khăn.

Các kho dự trữ khí đốt tự nhiên ở EU gần như đã đầy 75%.

Chẳng hạn, mực nước sông đã giảm đến mức các tàu buộc phải giảm tải trọng, khiến nhiều nhà máy nhiệt điện của Đức không thể nhập khẩu nhiên liệu. Do đó, nước này cần tiêu thụ nhiều khí đốt hơn để tạo ra điện.

Các chính phủ khu vực châu Âu đang tìm cách giảm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng không muốn thúc đẩy nhu cầu khí đốt, giảm động lực kinh doanh của các công ty năng lượng hay làm tổn hại tới ngân sách.

Tuần này, chính phủ Đức đã đưa ra mức thuế mùa đông cho hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nước này cũng cam kết về một gói cứu trợ cho người tiêu dùng. Khoản thuế mới được đưa ra nhằm bù đắp chi phí mà các nhà cung cấp khí đốt phải trả cho việc thay thế khí đốt Nga. Trong những thập kỷ qua, châu Âu đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Theo đội ngũ phân tích của ING Group, thuế mùa đông sẽ đẩy lạm phát tại Đức vượt ngưỡng 10% trong quý IV năm nay.

Các nhà phân tích và giám đốc năng lượng cho rằng, mục tiêu của Nga trong việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu là gây ra rất nhiều tổn hại về kinh tế. Châu lục này ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong những thập kỷ gần đây khi nước này rời xa than đá trong khi giảm sản lượng khí đốt trong nước.

Nga đang bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm dòng khí đốt đến châu Âu, khách hàng lâu đời nhất và có lợi nhất của họ. Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom hôm thứ 3 (16/8) cho biết sản lượng đã giảm 13% cho đến giữa tháng 8 năm nay, so với một năm trước đó, mặc dù tập đoàn này được hưởng lợi từ giá khí đốt tăng cao.

Tham khảo: WSJ

Khánh Vy
Theo Nhịp sống kinh tế