CTCP Nafoods Group (NAF) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu 1.214 tỷ đồng – cao nhất kể từ  khi thành lập và tăng gần 14% so với năm 2019. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 32%.

Tận dụng lợi thế cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam với nguồn trái cây nhiệt đới phong phú, Công ty đã phát triển danh mục gồm hơn 40 đầu mục sản phẩm, từ dòng chính như nước ép trái cây, rau củ quả đông lạnh, trái cây sấy, các loại hạt và hoa quả tươi. Hiện, sản phẩm Nafoods được xuất sang 70 thị trường các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… và là doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo cô đặc lớn nhất châu Á.

Dù vậy, con số trên vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Chia sẻ điều này tại buổi Roadshow mới đây, đại diện Nafoods cho biết thực tế việc công bố trên là thận trọng do BCTC chưa có kiểm toán. Mặt khác, do phải trích lập dự phòng một số khoản phải thu, đặc biệt mảng cây giống trước áp lực dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận Công ty. "Theo ước tính của ban lãnh đạo, lợi nhuận vượt 15% chỉ tiêu cả năm với 70 tỷ", phía Nafoods cho hay.

Về kế hoạch những năm tiếp theo, Công ty dự kiến đi đúng lộ trình đã đề ra với mức tăng bình quân doanh thu vào khoảng 50%/năm, LNST khoảng 25%/năm. Sở dĩ đà tăng LNST thấp hơn doanh thu do Nafoods dự tiếp tục đầu tư R&D, phát triển sản phẩm nên chi phí sẽ cao.

Ước tính, doanh thu năm 2021 theo đó sẽ vào mức 1.821 tỷ đồng, LNST tương đương 79 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu dự phòng những yếu tố bất thường như khủng hoảng container rỗng hiện nay đang đẩy giá cước tăng cao, ban lãnh đạo ước tính doanh thu 2021 có thể chỉ tăng 25%, ngược lại LNST vẫn sẽ tăng 25% vì kiểm soát được.

Đến nay, Nafoods đã tập trung phát triển hơn 30.000 ha vùng nguyên liệu tập trung tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Bắc, và các quốc gia trung khu vực như Lào, Campuchia. Kết hợp với việc vận hành 2 Viện giống công nghệ cao mang thương hiệu Nafoods tại Quế Phong - Nghệ An và Pleiku - Gia Lai (tổng công suất 6 triệu cây giống/năm); 2 hệ thống nhà máy đạt chuẩn các chứng chỉ quốc tế tại Quỳnh Lưu – Nghệ An và Đức Hoà – Long An (tổng công suất 12,000 tấn nước ép cô đặc/năm, 7.900 tấn rau củ quả đông lạnh (IQF)/năm, 600 tấn sản phẩm sấy/năm); và 4 nhà máy liên kết tại Sơn La, Bình Thuận, Bến Tre, Tây Ninh.

Ghi nhận, việc phát triển thêm các mảng sản phẩm mới như sấy, dừa, và hạt dinh dưỡng giúp Công ty tiếp cận và đáp ứng được nhiều thị trường hơn, trong đó có các thị trường lớn tiềm năng như Nga, Trung Quốc, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, việc hợp tác với chính quyền các địa phương có vùng trồng cây ăn quả chủ chốt ở Việt Nam và mua thêm các vùng trồng khác tại Đông Nam Á như Lào, Campuchia giúp Công ty mở rộng được vùng nguyên liệu, chủ động hơn trong công tác cung ứng nguyên liệu, cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

Kết quả, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty lần lượt tăng trưởng trung bình 42%/năm và 18%/năm giai đoạn 2018 – 2020. Công ty cũng thành công trong việc huy động 8 triệu USD vốn đầu tư vào cổ phần ưu đãi từ IFC, 5 triệu USD vốn vay dài hạn từ Finnfund, và được nhiều tổ chức tài chính quốc tế lớn khác như Jica, Maybank… quan tâm, hợp tác.

Tri Túc

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị