Ngày 29/8, hãng Reuters đưa tin, các nhà nghiên cứu vừa ghi nhận trường hợp tái nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh đầu tiên tại Mỹ. Báo cáo khoa học mới được công bố cho biết trường hợp này là một nam thanh niên 25 tuổi sống tại Reno, bang Nevada, Mỹ.

Theo đó, anh này dương tính với SARS-CoV-2 hồi tháng 4 sau khi có các triệu chứng bệnh nhẹ của COVID-19. Đến cuối tháng 5, nam thanh niên bị mắc lại COVID-19 và nặng hơn lần trước.

Trước đó, hồi đầu tuần này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong (TQ) cũng đã công bố trường hợp một người đàn ông 33 tuổi sau 4 tháng được điều trị khỏi COVID-19 lại bị tái nhiễm một chủng khác của virus SARS-CoV-2.

Giáo sư miễn dịch học và vi sinh Kristian Anderson nhận định: "Nghiên cứu này là một ví dụ rõ ràng về khả năng tái nhiễm virus SARS-CoV-2, bởi vì khả năng miễn dịch của chúng ta không bao giờ đạt được hiệu quả 100%".

Các trường hợp tái nhiễm virus nCoV đã xuất hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới. Các nhà khoa học nhấn mạnh, sự tái nhiễm virus có lẽ là rất hiếm, song phát hiện này bước đầu cho thấy hệ miễn dịch của chúng ta không thể phòng chống hoàn toàn virus SARS-CoV-2.

Giáo sư Anderson cho biết: "Chúng tôi chưa xác định được tần suất tái nhiễm và điều đó có thể thay đổi như thế nào theo thời gian. Trước khi có các nghiên cứu rộng hơn để làm sáng tỏ những câu hỏi này, chúng tôi không thể kết luận trường hợp tái nhiễm này có ý nghĩa như thế nào đối với thời gian duy trì và hiệu quả của khả năng miễn dịch với COVID-19 của cơ thể, cũng như sự tương thích của các vắc-xin sắp ra mắt".

Nguồn: Reuters

Theo Pháp luật và Bạn đọc