Nhiều người thuộc giới siêu giàu coi đại dịch là cơ hội để họ tân trang lại nhà cửa. Điều này dẫn đến nhu cầu đột biến cho các sản phẩm gia dụng - trong đó có cả các mẫu bếp giá 40.000 USD.

New York Times cho biết thị trường bất động sản đang nóng lên khi những người giàu có đang đẩy mạnh trang trí và cải tạo nhà cửa. Các nhà thiết kế nội thất ngập lụt với những yêu cầu công việc mới, nhà môi giới bất động sản nhận hàng chục triệu USD đặt hàng trong khi giới kinh doanh nội thất thì cố gắng đi tìm nguồn cung những chiếc ghế sofa có giá lên tới 31.000 USD.

Theo The Times, nhu cầu với các mặt hàng như tủ lạnh Sub-Zero, máy làm đá giá 4.000 USD và các loại bếp cao cấp thuộc thương hiệu Wolf đã tăng mạnh trong quý III năm 2020. Loại bếp "bắt buộc phải có" cho năm 2021 có tên La Grande Cuisine 2000 (Pháp) có 6 đầu đốt khí gas, 2 lò nướng với vỉ nướng điện, vỏ ngoài màu đồng mờ. Theo nhà sản xuất L’Atelier Paris, nó có giá gần 40.000 USD và người mua phải đợi 3 tháng.

Trong khi tình trạng chờ đợi mẫu bếp 40.000 USD chỉ ảnh hưởng đến một lượng nhỏ người dùng, cơn sốt thiếu nguồn cung hàng gia dụng đang lan rộng hơn ở Mỹ và toàn cầu. Từ mùa thu năm ngoái, nhiều người đã bắt tay vào các dự án cải thiện nhà cửa, nhằm chuẩn bị cho một mùa đông dài mắc kẹt trong nhà vì dịch bệnh Covid. Nó gây ra căng thẳng cho các nhà sản xuất thiết bị, những người cũng đang phải vật lộn để theo kịp sự gia tăng nhu cầu của thị trường.

Mẫu bếp La Grande Cuisine 2000 thời thượng giá 40.000 USD này đang cháy hàng trong 3 tháng tới.

Lãnh đạo của tập đoàn Electrolux cho biết trong một cuộc họp vào tháng 10 năm ngoái rằng họ đã bước vào quý mới với "mức tồn kho thấp bất thường", mặc dù mức sản xuất cao hơn. "Thời gian người dùng ở nhà tăng lên, dẫn đến sự gia tăng sử dụng các thiết bị trong gia đình. Ngân sách chi cho việc cải thiện nhà cửa của họ cũng cao hơn", vị này cho biết.

Whirlpool, một nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn khác, cũng thừa nhận nhu cầu của người dùng đang tăng cao. Giám đốc tài chính James Peters của Whirlpool cho biết lượng đơn hàng của công ty là "rất cao".

Nhu cầu của người dùng tăng cao, cộng thêm một số tác động bên ngoài khiến cho tình trạng khan hiếm thiết bị gia dụng xảy ra. Các nhà máy đóng cửa trong giai đoạn đầu đại dịch khiến quá trình sản xuất các thiết bị như máy rửa bát, tủ lạnh bị gián đoạn.

Ngành vận chuyển, logistics cũng gặp khó khăn lớn trong năm ngoái. Tình trạng thiếu chip liên tục đồng nghĩa các nhà sản xuất không thể đẩy mạnh sản xuất các thiết bị gia dụng thông minh. Jason Ai – chủ tịch của Whirlpool tại Trung Quốc nói với Reuters hồi tháng 3 rằng công ty dang đối mặt với "một cơn bão" nhu cầu cao trong khi lại thiếu hụt nguồn cung. Whirlpool gặp khó trong việc tìm nguồn cung các bộ vi xử lý cho hơn một nửa dòng sản phẩm của mình, gồm máy giặt, lò vi sóng và tủ lạnh.

"Một mặt chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu trong nước với các thiết bị gia dụng. Mặt khác, chúng tôi đối mặt với các đơn hàng xuất khẩu bùng nổ", Ai nói với Reuters. Ngay cả khi thế giới đã bước vào đại dịch được hơn một năm và đỉnh dịch được xem là đã đi qua, những người trong ngành tin rằng tình trạng thiếu hụt sản phẩm chưa thể sớm kết thúc.

Các cửa hàng gia dụng tại nhiều vùng của Mỹ cảnh báo rằng tình trạng này còn kéo dài trong ít nhất vài tháng nữa. "Đừng đợi đến phút cuối nếu bạn đang muốn xây nhà hoặc mua sắm đồ gia dụng", Paul Klein  - chủ cửa hàng gia dụng tại Lousiana nói với trang Nola.com. "Hãy đặt hàng ngay vì tình trạng thiếu hàng có thể kéo dài cho đến năm 2022".

Tham khảo nguồn: Business Insider

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị