Lợi nhuận trước thuế của MSB. ĐVT: Tỷ VND
Lợi nhuận trước thuế của MSB. ĐVT: Tỷ VND

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của MSB. Theo đó, ngân hàng này dự kiến niêm yết gần 1,18 tỷ cổ phiếu, trị giá gần 11.750 tỷ đồng.

Duy trì đà tăng trưởng

MSB vừa cập nhật tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm 2020. Theo đó, tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất đã đạt hơn 166 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 98% kế hoạch 2020; Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.328 tỷ đồng, bằng 127% tổng lợi nhuận sau thuế của cả năm 2019.

Theo ông Nguyễn Như Hải- Chuyên viên phân tích MBS, tỷ suất lợi nhuận của MSB có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, MSB còn một đoạn đường dài để đi trên định hướng thiên về SME để đuổi kịp ACB, hay MBB…

Đặc biệt, tính đến 30/9/2020, MSB đã tất toán xong trái phiếu với Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC). Việc sạch nợ tại VAMC giúp MSB chủ động hơn trong việc trích lập dự phòng, gia tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng tài sản.

Hướng tới Basel III

Công tác kinh doanh gắn với quản trị rủi ro hướng tới phát triển bền vững cũng là kế hoạch ưu tiên của MSB. Vừa qua, MSB đã trở thành một trong những ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II.

1.328 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm nay của MSB, bằng 127% năm 2019.

Ông Nguyễn Hoàng Linh–Tổng Giám đốc MSB cho biết, việc hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II là tiền đề và động lực để MSB tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn như Basel III. Điều này cũng giúp MSB quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững trước khi niêm yết trên sàn HOSE.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng lên kế hoạch áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế về ghi nhận và đo lường các công cụ tài chính– IFRS9. Điều này giúp MSB quản trị rủi ro hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh và phát triển an toàn, bền vững…

MSB tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn như Basel III 

Cơ hội mới mở ra

Trong thời gian qua, không ít ngân hàng đã đưa ra kế hoạch cấp tập lên sàn, bởi năm 2020 là thời hạn cuối các ngân hàng buộc phải niêm yết. Việc MSB lên sàn sẽ giúp nâng cao tính thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh, từ đó củng cố lòng tin đối với các nhà đầu tư, để việc thu hút vốn của ngân hàng thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, việc lên sàn cũng là thách thức không nhỏ với MSB khi phải có trách nhiệm công bố thông tin hoạt động rõ ràng và thường xuyên hơn nhằm tăng tính minh bạch.

Với đà tăng trưởng tích cực, tình hình tài chính lành mạnh, sạch nợ xấu ở VAMC, MSB được kỳ vọng sẽ hút mạnh dòng tiền khi lên sàn, giúp ngân hàng sẽ sớm lên đời. 

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp