Trong khi nhiều quốc gia đang vật lộn tìm kiếm vaccine Covid-19, đất nước 3,2 triệu dân này đã có đủ vaccine cho toàn bộ dân số trưởng thành.

Giống các quốc gia nhỏ thành công trong tiêm chủng như Bhutan và Serbia, Mông Cổ đã tận dụng mối quan hệ chặt chẽ với các nước láng giềng như Trung Quốc và Nga - những cường quốc muốn gia tăng ảnh hưởng thông qua "ngoại giao vaccine". Quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và Nga đã giúp Mông Cổ nhận được vaccine sớm hơn các nước khác. Phần lớn số vaccine của nước này đến từ hai "ông lớn" trên.

Đến ngày 31/5, Mông Cổ triển khai hơn 3,1 triệu liều, với 88% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine và 40,5% được tiêm đầy đủ, theo trang dữ liệu Our World in Data.

Bolormaa Enkhbat, cố vấn kinh tế của Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai, cho biết: "Chúng tôi ý thức được mối quan hệ với các nước láng giềng và muốn tận dụng điều đó".

Theo bà Enkhbat, để đi đến thỏa thuận mua vaccine, Thủ tướng cùng các đại sứ đã thực hiện hàng loạt cuộc gọi và buổi họp. "Người Mông Cổ có tinh thần của chiến binh. Nếu muốn làm việc gì, chúng tôi sẽ quyết làm đến cùng", bà nói thêm.

Sự kiên trì đã được đền đáp khi chính phủ ký thỏa thuận mua một triệu liều vaccine Sputnik V của Nga. Cùng với 4 triệu liều từ công ty Sinopharm của Trung Quốc, Mông Cổ đủ vaccine cho gần 2,1 triệu người trưởng thành.

Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên hôm 23/2. Ảnh: Government of Mongolia

Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên hôm 23/2. Ảnh: Government of Mongolia

Theo nhà nghiên cứu Oyunsuren Damdinsuren thuộc Đại học Quốc gia Mông Cổ, chính sách ngoại giao của Tổng thống Khaltmaagiin Battulga đã mở ra thắng lợi này.

"Ông là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, đồng thời tặng 30.000 con cừu cho nước bạn. Đổi lại, Mông Cổ nhận được 300.000 liều vaccine Sinopharm và thỏa thuận mua thêm vaccine", Damdinsuren cho hay.

Trong khi Mông Cổ nhận hỗ trợ từ "người hàng xóm" Trung Quốc và Nga, Mỹ và Ấn Độ cũng không ngồi yên. Trong tháng 4, Đại sứ quán Mỹ tại Mông Cổ thông báo Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) cung cấp 450.000 USD nhằm hỗ trợ công tác chống dịch tại Mông Cổ, nâng tổng số tiền viện trợ của Mỹ cho nước này lên 4 triệu USD.

Ngoài ra, ông Michael Klecheski, Đại sứ Mỹ tại Mông Cổ, đã có cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Battsetseg Bamunkh. Hai bên duy trì đối thoại về sự giúp đỡ của Mỹ dành cho Mông Cổ với tư cách là đối tác chiến lược, thông qua Covax hoặc hỗ trợ tài chính.

Cuối tháng 2, chính phủ Ấn Độ tặng 150.000 liều vaccine AstraZeneca cho Mông Cổ. Việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vào năm 2015 đã đem lại lợi ích trong đại dịch. Mông Cổ là một trong 13 quốc gia đầu tiên được tặng vaccine thông qua chính sách ngoại giao vaccine của Ấn Độ. Khi Ấn Độ hứng chịu khủng hoảng Covid-19, Mông Cổ đã tặng một triệu USD cho đất nước Nam Á này.

Đại dịch toàn cầu nêu bật tầm quan trọng của chính sách đối ngoại và những thành quả có thể đạt được thông qua nỗ lực ngoại giao. Mông Cổ đang tận dụng thành công vũ khí đối ngoại của quốc gia để có vaccine.

Song, công cuộc đẩy lùi Covid-19 của Mông Cổ không hoàn toàn suôn sẻ. Năm 2020, sau gần 10 tháng không ghi nhận ca Covid-19 nào do kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, nước này đối mặt làn sóng dịch mới vào tháng 11.

Vào tháng 3, số ca nhiễm tăng vọt trong bối cảnh các sự kiện lớn và hòa nhạc diễn ra nhằm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Nhân dân Mông Cổ. Virus lây lan nhanh chóng trong các thành phố, với số ca nhiễm mỗi ngày vào cuối tháng 4 là 2.500.

Thủ tướng Oyun-Erdene coi việc tiêm chủng như một phần quan trọng trong kế hoạch dỡ phong tỏa. Ông đặt mục tiêu đến tháng 7 phải triển khai vaccine cho tất cả người trên 18 tuổi, chiếm 62% dân số. Khác với các quốc gia khác, để kiểm soát sự lây lan của virus, Mông Cổ ưu tiên tiêm chủng cho người trẻ tuổi thay vì người già dễ tổn thương. Để thúc đẩy tiêm chủng, chính phủ ra chính sách tặng 18 USD cho người tiêm mũi vaccine thứ hai.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận người du mục ở khu vực xa xôi hẻo lánh cũng không đơn giản. Mông Cổ là quốc gia có mật độ dân số thấp nhất trên thế giới, với hàng trăm nghìn nông dân chăn gia súc sống biệt lập ở vùng nông thôn hiểm trở. Theo bà Enkhbat, các trung tâm tiêm chủng di động được thiết lập và những lô vaccine đầu tiên từ Covax đã đến vùng nông thôn Batsumber ở phía bắc đất nước.

Còn nhiều người hoài nghi về khả năng tiếp cận người dân vùng hẻo lánh. Song, chính phủ rất tự tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua và hứa hẹn về "mùa hè không Covid-19", đồng thời thảo luận các chiến lược mở cửa trở lại, đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ.

"Người dân Mông Cổ rất thực tế. Chúng tôi là dân du mục, dễ thích nghi với thay đổi. Chúng tôi ưu tiên tiêm chủng và người dân đã hưởng ứng. Sự chung tay của mọi người tạo ra một chiến lược thành công", bà Enkhbat nói.

 

Mai Dung (Nguồn Telegraph, Diplomat)
Theo vnexpress.net