Nhóm lãi đậm

Theo báo cáo tài chình hợp nhất quý III/2020 của Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) vừa công bố, doanh thu thuần đạt 290 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt gần 51 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, nhờ tiết giảm các chi phí bán hàng và hoạt động.

Tổng doanh thu & Lợi nhuận trước thuế của IMP.

Được biết, doanh thu kênh ETC (kênh bệnh viện) của IMP vẫn tăng trưởng, trong khi đó kênh OTC (kênh nhà thuốc) giảm. Kênh OTC trong những năm gần đây không còn tăng trưởng nóng như giai đoạn từ 2011-2015, thêm vào đó là sự sụt giảm của tổng cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh càng làm cho hoạt động kinh doanh ở kênh OTC gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, IMP trong kỳ đã tiếp tục cơ cấu danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao. Cùng với việc được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ dự án đầu tư mở rộng nhà máy Bình Dương, IMP đã giữ được mức tăng lợi nhuận dù doanh thu giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu IMP đạt 910 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%; khấu trừ chi phí, IMP đạt 139 tỷ đồng LNST. So với kế hoạch năm 2020, Công ty lần lượt thực hiện được 50% chỉ tiêu doanh thu và 63% về lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.

Tương tự, theo ban lãnh đạo Công ty cổ phần Traphaco (HoSE: TRA), quý III/2020, doanh thu thuần của TRA ước đạt 459 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, TRA ước đạt 1.307 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế đạt 141 tỷ đồng, tăng 31 so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, so với kế hoạch năm 2020, TRA đã đạt 65% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.

Lãnh đạo TRA cho rằng, đây là kết quả của quá trình tái cơ cấu triển khai từ gần 1 năm qua, trong đó tập trung vào việc áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến và triển khai văn hóa doanh nghiệp giai đoạn mới. Cụ thể, TRA đã thực hiện chính sách bán hàng tập trung vào tăng trưởng doanh thu sản phẩm có thế mạnh và biên lợi nhuận gộp cao. Nhóm đông dược như Boganic, Hoạt huyết dưỡng não, Tottri đều có mức tăng trưởng 2 con số.

Ngoài ra, công ty đã kiểm soát hiệu quả giá vật tư đầu vào, chi phí quản lý và chi phí tài chính. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đã vượt xa so với tăng trưởng doanh thu.

Bên cạnh mảng đông dược giữ vị thế đầu ngành, mảng tân dược của TRA đang cho thấy nhiều triển vọng. Cụ thể, nhu cầu các sản phẩm tăng miễn dịch và chăm sóc sức khỏe cá nhân như Antot Thymo, Natri Clorid và T-B tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, sau khi chính thức trở thành công ty con của Taisho (1 công ty dược phẩm Nhật Bản nắm giữ 51% cổ phần), lãnh đạo Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) cho biết, sự hỗ trợ từ Taisho sẽ có tác động rõ nét hơn đến diễn biến kinh doanh chỉ bắt đầu từ năm 2022 trở đi.

Doanh thu của Dược Hậu Giang qua các năm.

Theo ban lãnh đạo DHG, Taisho hỗ trợ công ty trong xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và sản xuất cho các công ty thành viên và đối tác của Taisho. DHG có kế hoạch nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc an thần, tiểu đường, tim mạch và tiêu hóa theo tiêu chuẩn PMDA (tiêu chuẩn thực hành sản xuất dược phẩm của Nhật bản), là 1 trong các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất trên toàn cầu.

DHG kỳ vọng các sản phẩm này sẽ gia tăng đóng góp doanh thu từ 10% trong năm 2019 lên 20-30% trong vài năm tới. Các sản phẩm thuốc này sẽ được xuất khẩu sang các thị trường hiện tại của Taisho cũng như tham gia vào quá trình đấu thầu trong kênh bán bệnh viện tại Việt Nam, vốn là khu vực có mức độ cạnh tranh cao hơn. Mặt khác, đóng góp doanh thu từ thuốc kháng sinh và giảm đau sẽ giảm từ 55% trong năm 2019 còn khoảng 30%.

Nhóm “nằm đáy”

Bên cạnh những doanh nghiệp có lãi khủng, 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận nhiều doanh nghiệp ngành dược sụt giảm lợi nhuận, trong đó có doanh nghiệp ghi nhận lỗ. Các doanh nghiệp cho biết, nhu cầu tiêu thụ dược phẩm sụt giảm trước tác động của dịch COVID-19.

Cụ thể, Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT) với doanh thu quý 2/2020 ghi nhận giảm 21%. Trong kỳ, doanh thu bán thành phẩm chiếm hơn 140 tỷ đồng và doanh thu bán hàng hóa chiếm hơn 256 tỷ đồng, lần lượt giảm sút 28% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, với Dược phẩm Bến Tre (HNX: DBT), bên cạnh việc tăng chi phí kích cầu bán hàng, Công ty còn chủ động tăng chi phí vay tiền để tích trữ thêm nguồn hàng đối phó dịch COVID-19. Điều này dẫn đến kết quả trắng tay trong quý 2 của DBT, thậm chí, lỗ ròng nhẹ 2 triệu đồng.

Thê thảm nhất chính là Dược Lâm Đồng - Ladophar (HNX: LDP) khi thua lỗ hơn 13 tỷ đồng trong quý 2. Doanh thu và lãi gộp của LDP ghi nhận suy yếu tới 55% và 87% so cùng kỳ năm ngoái.

Hay như Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật (HoSE: JVC), với quý đầu niên độ lỗ 700 triệu đồng. Lãnh đạo JVC cho rằng, năm 2020 sẽ là một năm nhiều thử thách khi dịch bệnh COVID-19 đã và đang gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho ngân sách nhà nước, bao gồm cả ngân sách đầu tư cho y tế, cho năng lực tài chính của đối tác và bản thân công ty.

Kết quả kinh doanh của JVC qua các năm.

Do vậy, JVC đang thực hiện rà soát, điều chỉnh, tổ chức lại mô hình kinh doanh, bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng nhân sự cũng như hiệu quả làm việc. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu xử lý dứt điểm các tồn đọng về tài chính, công nợ, pháp lý.

Theo giới chuyên gia, dược phẩm là ngành phòng thủ trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, do thu nhập của người dân giảm sút nên các doanh nghiệp ngành dược cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Thống kê của các công ty chứng khoán cho thấy, trong quý II, các doanh nghiệp dược niêm yết đã tạo ra gần 8.000 tỷ đồng doanh thu thuần và khoảng 600 tỷ đồng lãi ròng, giảm lần lượt 13% và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ có 1/3 doanh nghiệp tăng trưởng lãi, gần một nửa doanh nghiệp sụt giảm lãi, số còn lại là lỗ.

Như vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi hay ăn theo COVID-19. Sự phân hóa càng sâu thì bức tranh kinh doanh dược và y tế thời dịch bệnh càng chứng tỏ vai trò của đầu tư, quản trị, nắm bắt cơ hội trong các doanh nghiệp để bứt lên. Chỉ dựa "thời" mà chưa chắc đã "thiên thời" là không đủ.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp