1. Quy định duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các TCTD nhà nước

Ngày 28/12/2021, NHNN ban hành Thông tư số 21/2021/TT-NHNN quy định về việc TCTD nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) thay thế cho Thông tư số 23/2013/TT-NHNN và Thông tư số 41/2015/TT-NHNN.

Theo đó các ngân hàng phải duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng Đồng Việt Nam tại thời điểm 31/12 của năm trước tại VBSP. Thông tư 21 điều chỉnh giảm mức phí huy động vốn (%/năm) từ 1,35% xuống 1,3% so với quy định cũ. Ngoài ra, Thông tư 21 cũng bổ sung quy định việc gửi tiền, điều chỉnh bổ sung hoặc rút số dư tiền gửi tại VBSP đối với TCTD bị kiểm soát đặc biệt hoặc có quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt.

Cụ thể, trường hợp TCTD được NHNN quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt thì TCTD thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại VBSP kể từ năm tiếp theo năm có quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt (Điểm a khoản 4 Điều 5). Trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt trong khi đang duy trì số dư tiền gửi tại VBSP, TCTD được rút toàn bộ số dư tiền gửi tại VBSP trong thời gian tối đa 3 tháng kể từ ngày bị kiểm soát đặc biệt (Điểm b khoản 4 Điều 5).

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng phải duy trì số dư tiền gửi tại VBSP. Quy định duy trì số dư tiền gửi tại VBSP chỉ áp dụng đối với các NHTM do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các NHTM cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Theo đó, chỉ các ngân hàng như Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV,…bị chi phối bởi Thông tư 21.

Mục tiêu của việc duy trì số dư tiền gửi của các ngân hàng tại VBSP nhằm thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội.

Thông tư số 21/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2022.

2. Quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của NHNN

Ngày 29/12/2021, NHNN ban hành Thông tư số 22/2021/TT-NHNN (Thông tư 22) thay thế Thông tư số 43/2011/TT-NHNN ngày 20/12/2011 quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu trong ngành Ngân hàng. Điểm khác biệt nổi bật của Thông tư 22 là quy định mới chỉ áp dụng đối với các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức thuộc NHNN và các cá nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ lưu trữ hồ sơ, tài liệu của NHNN.

Như vậy, các TCTD sẽ được quyền tự quyết định thời gian bảo quản, lưu trữ hồ sơ phát sinh tại tổ chức mình. Tuy nhiên, các TCTD hoàn toàn có thể vận dụng Thông tư 22 và điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù tổ chức, hoạt động của TCTD. Ngoài ra, Thông tư 22 phân loại các hồ sơ, tài liệu thành 27 nhóm thay vì là 25 nhóm như quy định cũ.

Thông tư số 22/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2022.

3. Quy định giao dịch ngoại tệ giữa NHNN và TCTD được phép hoạt động ngoại hối

Ngày 31/12/2021, NHNN ban hành Thông tư số 26/2021/TT-NHNN thay thế Thông tư số 02/2012/TT-NHNN quy định giao dịch hối đoái giữa NHNN và các TCTD. Nhìn chung, Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số nội dung so với quy định cũ. Quy định mới tạo độ mở và giúp NHNN điều hành linh hoạt hơn. Thông tư 26 bổ sung thêm giao dịch quyền chọn bên cạnh giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi và các loại hình giao dịch khác do NHNN quyết định trong từng thời kỳ. Kỳ hạn của giao dịch thực hiện theo Thông báo của NHNN thay vì là sự thỏa thuận giữa NHNN và TCTD trong phạm vi từ 03 đến 365 ngày như Thông tư cũ. Thay thế phương tiện giao dịch thông qua hệ thống giao dịch điện tử của hãng "Reuters Dealing" bằng "Refinitiv".

Thông tư số 20/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2022.

4. Sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm toán độc lập đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là "TCTD")

Ngày 31/12/2021, NHNN ban hành Thông tư số 24/2021/TT-NHNN (Thông tư 24) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 quy định về kiểm toán độc lập đối với TCTD. Thông tư 24 bãi bỏ khoản 9 Điều 11 về điều kiện đối với tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán TCTD, tạo độ mở cho ngân hàng trong việc lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập và các tổ chức kiểm toán độc lập cũng được hưởng lợi do mở rộng đối tượng khách hàng. Theo quy định mới, TCTD được phép lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập trong năm trước liền kề và năm kiểm toán đã/đang thực hiện dịch vụ cho TCTD như định giá tài sản, tư vấn quản lý, tư vấn tài chính, tư vấn quản lý rủi ro.

Ngoài ra, Thông tư 24 cũng giản lược, giảm bớt thủ tục hành chính trong việc báo cáo tổ chức kiểm toán độc lập được lựa chọn cho NHNN. Sau khi TCTD đã lựa chọn được tổ chức kiểm toán độc lập, TCTD gửi thông báo bằng văn bản cho NHNN (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) mà không phải gửi đồng thời cho NHNN và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trưng ương nơi TCTD đặt trụ sở chính.

Thông tư số 24/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022.

5. Sửa đổi, bổ sung quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CN NHNNg)

Ngày 31/12/2021, NHNN ban hành Thông tư số 25/2021/TT-NHNN (Thông tư 25) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2015/TT-NHNN ngày 06/01/2015 quy định hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất của NHTM, CN NHNNg. Thông tư 25 sửa đổi, bổ sung ba nội dung nổi bật.

Thứ nhất, bổ sung thêm đối tượng bị điều chỉnh bởi Thông tư 01/2015/TT-NHNN là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức sở hữu trái phiếu Chính phủ phát hành bằng Đồng Việt Nam tại thị trường trong nước (Điểm c khoản 2 Điều 2).

Thứ hai, bổ sung thêm quy định về kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử. Cụ thể, Thông tư 25 yêu cầu NHTM, CN NHNNg kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử phải xây dựng quy trình kinh doanh, cung ứng sản phẩm phát sinh lãi suất bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định Thông tư 01/2015/TT-NHNN, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử và các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động (Khoản 1 Điều 4a).

Các thông tin liên quan đến việc kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất bằng phương thức điện tử phải được lưu trữ đầy đủ (Khoản 2, Điều 4a). Việc bổ sung thêm phương thức điện tử phù hợp với định hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng mà NHNN đã đề ra tại Quyết định 810/QĐ-NHNN.

Thứ ba, đối với những ngân hàng đã áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN thì hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất cũng phải tuân thủ quy định của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Đối với các ngân hàng chưa áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN thì tiếp tục đảm bảo tuân thủ giới hạn về hoạt động kinh doanh, cung ứng và sử dụng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định cũ.

Thông tư số 25/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022.

6. Sửa đổi, bổ sung quy định xếp hạng TCTD, CN NHNNg

Ngày 31/12/2021, NHNN ban hành Thông tư số 23/2021/TT-NHNN (Thông tư 23) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định xếp hạng TCTD, CN NHNNg. Thông tư 23 điều chỉnh giải thích từ ngữ liên quan tỷ lệ an toàn vốn để phù hợp với các quy định hiện hành và quy định đã bị bãi bỏ. Cụ thể, các nội dung liên quan xác định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư số 36/2014/TT-NHNN (đã hết hiệu lực thi hành) được loại bỏ.

Thông tư 23 cũng điều chỉnh các giá trị định lượng ở từng ngưỡng tính điểm các TCTD, CN NHNNg của mô hình CAMELS. Cụ thể, quy định mới phản ánh tiêu chí Vốn (C) thông qua CAR đúng bản chất hơn. Thông tư 23 phân chia các TCTD, CN NHNNg tính CAR thành hai nhóm gồm những ngân hàng tính CAR theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN và tính CAR theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.

Quy định mới giảm bớt mức độ "khắt khe" ở tiêu chí tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ nhóm 2 (tiêu chí "Chất lượng tài sản") bằng việc nâng ngưỡng định lượng. Có thể, NHNN đã "tiên liệu" chất lượng tín dụng của các ngân hàng trong những năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng kém khả quan do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Ngoài ra, Thông tư 23 cũng kiểm soát dòng tín dụng vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản bằng việc thêm vào tiêu chí Chất lượng tài sản (A) và điều chỉnh trọng số tính điểm từ 5% lên 10%.

Lê Hồng Thái
Theo Nhịp sống kinh tế