Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vosco.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vosco.

Tính đến cuối tháng 9/2020, tổng số lỗ lũy kế của Vosco đã lên tới 860 tỷ đồng- một mức khó có thể bù đắp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Lỗ chồng lỗ

Vận tải, đặc biệt là vận tải biển là một trong những ngành kinh doanh chịu thiệt hại nặng nề bởi COVID-19. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng và trực tiếp là đứt gãy vận chuyển hàng hóa giao thương quốc tế từ các thị trường – các vùng biển, hải cảng lớn trên toàn cầu, khiến những hãng tàu lớn lâm vào thế khó. Những vùng nước cạn hay nhu cầu nội địa không thể giúp tăng vận chuyển nội địa bù đắp doanh thu. Điều này khến Vosco nói là “mắc cạn” bởi COVID-19 cũng đúng, mà trôi dạt giữa các vùng thua lỗ cũng không hề sai.

Thực tế kết quả kinh doanh 3 quý đầu 2020 của Công ty đang phản ánh khá rõ điều này. Tại quý I/2020, Vosco lỗ trước thuế 86,4 tỷ đồng. Trong quý II, Vosco lỗ thêm 31 tỷ đồng. Quý III/2020, Vosco lại tiếp tục ghi nhận lỗ thêm 22 tỷ đồng. Như vậy lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Vosco đã bị lỗ lũy kế tới 140 tỷ đồng.

860 là tổng số lỗ lũy kế của Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam tính đến ngày 30/09/2020.

Vosco giải trình nguyên do là thị trường vận tải biển trong thời gian qua tiếp tục gặp nhiều khó khăn với tác động từ đại dịch COVID-19. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, vì vậy vận tải biển cũng chịu ảnh hưởng nặng nề theo diễn biến chung của nền kinh tế thế giới.

Năng lực kinh doanh yếu kém?

Phải nói một cách thực tế rằng không chỉ do tác động của COVID-19 ở năm nay mà tính xuyên suốt trong những năm gần đây, Vosco vẫn thường xuyên gặp vấn đề về kinh doanh lõi. Điểm sơ 2 chu kỳ tài chính, 3 năm/ lần từ năm 2014-2020, không có năm nào Vosco không có quý kinh doanh lỗ. Thua lỗ ở mỗi kỳ đều có những nguyên do, rồi lại được doanh nghiệp khôi phục qua dịch vụ chính hoặc thanh lý tài sản…, nhưng chung quy không đủ bù lỗ.

 

Vosco luôn có hoạt động trên “đầu sóng ngọn gió”, khó có thể ổn định.

Như vậy, loại trừ rủi ro từ COVID-19, Vosco vẫn có những rủi ro nhất định. Có thể nói Vosco luôn có hoạt động trên “đầu sóng ngọn gió”, khó có thể ổn định. Vì vậy, trong năm 2016- 2017 Vosco đã phải đàm phán với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nhằm lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghĩa vụ của nhiều khoản nợ ngắn hạn tiếp tục được “di dời”. Tại cuối 30/6/2020, nợ ngắn hạn so với tổng tài sản lưu động ngắn hạn của Vosco tiếp tục tăng mạnh tới 376 tỷ đồng.

Trong tình hình COVID-19 đang tái bùng phát trở lại ở các khu vực Bắc Mỹ, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác bao gồm cả Châu Âu, những tuyến đường biển của Vosco có thể sẽ phải tiếp tục bị đóng băng. Công ty đang đứng trước mối nguy cảnh báo không chỉ với cổ phiếu (HoSE đã đưa cổ phiếu VOS vào diện cảnh báo từ tháng 4/2018), mà cả mối nguy không dễ bề tháo gỡ đối với việc duy trì khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Những vấn đề chung của ngành tàu biển Việt Nam dường như cũng ứng với Vosco đã có 50 năm tuổi đời hoạt động. Lưu ý thêm rằng, Vosco có 51% cổ phần thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (UPCoM: MVN). Mặc dù vậy, hy vọng rằng đây sẽ không phải là đơn vị kế tiếp trong ngành vận tải xin Nhà nước “cứu hộ”.

LÊ MỸ
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp