Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành cả ngày 26-7 để tiến hành quy trình về công tác nhân sự.

Theo đó, trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước . Nhân sự được đề cử để Quốc hội bầu vào vị trí này là Chủ tịch nước đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Sau khi bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Dự kiến 8 giờ 40 phút, Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Tiếp đó, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quốc hội sẽ thảo luận tại đoàn về nội dung này.

Đến phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ. Đến 14 giờ 40 phút, Thủ tướng Chính phủ dự kiến tuyên thệ nhậm chức.

Trước đó, vào tháng 3-2021, trong quá trình kiện toàn nhân sự tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Cũng trong ngày 26-7, Quốc hội sẽ bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi được bầu sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở đoàn về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Chủ tịch nước đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê quán Quảng Nam, là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV, XV.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng trải qua nhiều vị trí công tác tại Quảng Nam-Đà Nẵng và Trung ương: Là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam các khóa VIII, IX; Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam khóa VI, VII; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ nhiệm Thường trực, Phó Bí thư Đảng ủy rồi Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm Phạm Minh Chính sinh năm 1958, quê quán xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ông Phạm Minh Chính từng có thời gian công tác trong ngành công an, đến năm 2010, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an.

Từ tháng 8-2011 đến 4-2015, Bộ Chính trị điều động, phân công ông Phạm Minh Chính tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2010-2015. Từ tháng 4-2015 đến 1-2016, ông Phạm Minh Chính được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XII vào tháng 1-2016, ông Phạm Minh Chính được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, được bầu vào Bộ Chính trị. Sau đó, ông được phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đầu năm 2021, ông Phạm Minh Chính được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, sau đó được bầu vào Bộ Chính trị.

Theo Người lao động