Kịch bản không khác là bao so với phiên 7/4. Những tưởng VN-Index có thể "cân" được ở vùng 1.500 điểm, tuy nhiên, với sự thận trọng của nhà đầu tư, lực cầu vào yếu khiến thị trường không chống đỡ được với áp lực từ bên bán, VN-Index xuyên thủng mọi mốc hỗ trợ quan trọng, lao thẳng về mức thấp nhất phiên.

Đóng cửa, chỉ số đại diện sàn HoSE đánh rơi 20,35 điểm tương ứng 1,36% còn 1.482 điểm, ghi nhận thêm một phiên giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư phản ánh, thiệt hại với giá trị tài khoản (NAV) của họ trong một số phiên gần đây tương đương với đợt giảm hồi tháng 1 và tháng 7/2021 dù chỉ số không điều chỉnh quá nhiều. VN30-Index giảm 17,65 điểm tương ứng 1,15%, mức thiệt hại ít hơn so với VN-Index.

VN-Index tiếp tục có một phiên lao dốc (Ảnh chụp màn hình).

Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, HNX-Index rơi rất mạnh, mất 9,58 điểm tương ứng 2,17% còn 432,02 điểm; UPCoM-Index giảm 1,96 điểm tương ứng 1,7% còn 113,84 điểm.

Thanh khoản thị trường suy giảm còn 23.551,82 tỷ đồng trên HoSE, 2.659,15 tỷ đồng trên HNX và 1.456,16 tỷ đồng trên UPCoM.

Nguyên nhân khiến thị trường rơi mạnh cùng thanh khoản thấp một phần đến từ tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư bởi trước mắt sẽ là 3 ngày nghỉ và trên thị trường lại đang xuất hiện nhiều tin đồn bất lợi.

Đáng nói là trong phiên này, số lượng mã có giá sàn đã lên tới 64 mã và có đến 839 mã giảm giá, trong đó rất nhiều mã giảm mạnh vào cuối phiên và đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. Số mã giảm gấp gần 3 lần so với số mã tăng giá cho thấy áp lực bán đã áp đảo và lan trên diện rộng.

Một may mắn cho chỉ số ở phiên này đó là nhận được lực kéo từ VIC và một số mã vốn hóa lớn. VIC tăng 2,8% lên 81.700 đồng đã đóng góp cho VN-Index 2,13 điểm. NVL, BCM, VJC, ACB, VHM tăng giá, đồng thời VCB đứng giá tham chiếu phần nào cũng có ảnh hưởng tích cực và làm giảm áp lực đến chỉ số chung.

Cổ phiếu đầu cơ tiếp tục bị xả hàng mạnh. Trong đó, "họ" FLC có FLC và ROS giảm sàn; AMD giảm 4%; KLF giảm 3,6%; HAI giảm 2,9%; ART giảm 2,4%...

Cổ phiếu bất động sản nhiều mã bị bán sàn, trong đó có những mã bất động sản khu công nghiệp vốn diễn biến khá tích cực thời gian qua. PTL, LHG, VRC, HTN, KBC đều giảm sàn và trắng bên mua vào cuối phiên. Đáng nói là đầu phiên các mã này đều tăng giá. ITA giảm 5,9%; AGG giảm 4,7%; DXG giảm 3,6%.

Cổ phiếu GEX của Gelex tiếp tục diễn biến bất lợi, giảm sàn về 34.050 đồng/cổ phiếu; HSG của Hoa Sen cũng giảm sàn về còn 32.850 đồng/cổ phiếu, trắng bên mua.

Tình trạng giảm sàn tại GEX, KBC và HSG diễn ra trong bối cảnh chiều nay trên các hội nhóm chứng khoán xuất hiện một văn bản về kế hoạch thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu và việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán của một số doanh nghiệp bao gồm Hoa Sen, Kinh Bắc và Gelex.

Được biết, đây là một văn bản cũ từ năm 2021. Hiện vẫn chưa xác định được nguồn phát tán văn bản và mục đích của người tung văn bản này lên mạng xã hội, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại nặng nề do giá cổ phiếu giảm sâu.

Mai Chi
Theo Dân trí