Ảnh hưởng của Covid-19 đến bệnh nhân ung thư

Hệ thống miễn dịch có vai trò quan trọng giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Những người bệnh có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn, bao gồm cả nhiễm virus như SARS-CoV-2.

Với việc hệ miễn dịch cũng như sức khỏe bị suy giảm do khối u và cả tác dụng phụ của các phương pháp điều trị, bệnh nhân ung thư là nhóm đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng, tử vong cao khi mắc Covid-19.

Trong chương trình Giá như với chủ đề "Bảo vệ tối ưu bệnh nhân ung thư trong đại dịch Covid-19", Dược sĩ Điều Thị Ngọc Châu - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội thông tin, các dữ liệu nghiên cứu ban đầu từ Trung Quốc, Châu Âu cho thấy: Bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 có sự gia tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng và tử vong, đặc biệt đối với bệnh nhân ung thư huyết học, ung thư phổi, hoặc bệnh nhân đang được điều trị hóa trị.

"Việc tiêm vaccine Covid-19 được khuyến khích ở tất cả bệnh nhân ung thư đang điều trị tích cực, bao gồm cả những bệnh nhân đang hóa trị liệu, điều trị đích, điều trị miễn dịch hay xạ trị", PGS.TS Lê Thượng Vũ - Phó trưởng Bộ môn Nội tổng quát - Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh.

Theo khuyến nghị của Mạng lưới Ung thư toàn diện Quốc Gia Hoa Kỳ (NCCN), tất cả bệnh nhân đang mắc ung thư và những người đang điều trị nên được tiêm phòng bằng bất kỳ loại vaccine nào đã được FDA cho phép sử dụng.

Giá trị của vaccine Covid-19 với bệnh nhân ung thư

Theo các chuyên gia, gần đây, những nghiên cứu hồi cứu hoặc các thử nghiệm trên chính đối tượng bệnh nhân ung thư tiêm phòng vaccine Covid-19 đã cho thấy những bằng chứng thuyết phục về khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 với bệnh nhân ung thư.

Thử nghiệm VOICE nhằm đánh giá khả năng tạo đáp ứng kháng thể vào ngày 28 sau lần tiêm chủng thứ hai của vaccine mARN (Moderna) trên đối tượng bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa trị liệu hoặc liệu pháp miễn dịch hoặc phối hợp, so với những người tham gia nghiên cứu không bị ung thư đã cho thấy: 84% bệnh nhân ung thư được điều trị bằng hóa trị liệu có đủ mức kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 trong máu, tỷ lệ này lần lượt là  89% ở bệnh nhân điều trị hóa trị - miễn dịch kết hợp và 93% ở bệnh nhân điều trị miễn dịch đơn thuần.

Với các bệnh nhân ung thư, đặc biệt là trường hợp sử dụng hóa trị, những tế bào bạch cầu tạo ra đề kháng của cơ thể như lympho B, lympho T ít nhiều bị ảnh hưởng. Theo đó, số lượng của các tế bào này bị giảm đi, chất lượng kém hơn do hóa trị. Thông thường, có một tỉ lệ khá lớn bệnh nhân không tạo được đủ kháng thể bảo vệ như mình mong muốn. Ở bệnh nhân ung thư, kháng thể được tạo ra sau khi tiêm vaccine sẽ giảm nhanh hơn so với người bình thường. Do đó, bệnh nhân ung thư là đối tượng cần được ưu tiên sớm tiêm nhắc lại vaccine Covid-19.

Bên cạnh vaccine Covid-19, kháng thể đơn dòng cũng là một trong biện pháp hiệu quả để bảo vệ bệnh nhân ung thư trước Covid-19. Phương pháp này không thay thế vaccine phòng Covid-19 mà chỉ tập trung hướng tới những người suy giảm miễn dịch, không có khả năng đáp ứng miễn dịch thỏa đáng, hoặc không sinh đầy đủ kháng thể sau khi đã tiêm đủ liều vaccine và cho người không thể tiêm vaccine do từng xảy ra phản ứng bất lợi nghiêm trọng với vaccine Covid-19.

Việc tập trung bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ, trong đó có bệnh nhân ung thư sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện, bệnh nhân tử vong do Covid-19. Đây là chiến lược quan trọng giúp sớm kết thúc đại dịch, mở cửa các hoạt động và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Minh Nhật
Theo Dân trí