Ngày 28/10 mới đây, nữ sinh năm 3 Đại học Ngoại Thương: Đặng Trần Thủy Tiên chính thức đánh bại ung thư, sau khi tất cả các chỉ số đều âm tính.
Tuy nhiên, cuộc trò chuyện với Thủy Tiên lại "tiết lộ" rằng, nữ chiến binh này đã là người chiến thắng, kể từ khi cô đặt những bước chân đầy tự tin trên sân khấu cuộc thi hoa khôi "Duyên dáng Ngoại Thương" hơn 1 năm trở về trước.
Quả thật, đến lúc này tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc được cầm tờ giấy xuất viện trên tay. Có lẽ nên dùng từ "vỡ òa" để mô tả lại cảm giác của tôi lúc đó.
Ngay sau đó tôi gọi điện về cho bố mẹ, ở đầu dây bên kia vẫn là giọng nói nghiêm nghị nhắc nhở tôi không được chủ quan, nhưng tôi biết niềm vui của ông bà lúc này chắc cũng không kém gì mình.
1 năm 4 tháng đối mặt với ung thư đó không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng với tôi đó là một chuyến hành trình của cảm xúc: buồn bã có, tuyệt vọng có, vui vẻ có.
Một ngày đầu tháng 6/2019, trong lúc đi tắm tôi vô tình sờ thấy một hạch nhỏ ở bên ngực trái. Cảm thấy bất an nên 1 tuần sau, tôi đi khám ở một bệnh viện trong khu vực.
Theo kết quả chẩn đoán ban đầu, tôi chỉ mắc u xơ. Phải đến khi gửi mẫu đi xét nghiệm, khối u trong ngực tôi mới được kết luận là ác tính.
Thật ra, mẹ tôi là người biết kết quả đầu tiên và bà cố tình giấu. Lúc thấy mẹ bước ra khỏi phòng bác sĩ, tôi hỏi về kết quả, bà không nói gì nhưng rơm rớm nước mắt.
"Ung thư hả mẹ?", câu nói đùa cợt của tôi như giọt nước làm tràn ly khiến bà òa khóc ngay giữa hành lang bệnh viện.
Đúng vậy. Cuộc sống của tôi trước thời điểm đó gần như không có biến động, nay lại nhận được tin mắc căn bệnh nan y.
Cảm xúc tiêu cực này vẫn bám lấy tôi trong suốt gần 2 tuần lễ sau đó. Ngoài mặt tôi vẫn cố tươi cười để người thân không lo lắng, nhưng đằng sau đó là cảm giác cô độc, tuyệt vọng. Đây cũng chính là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với tôi trong cuộc chiến này.
Có thể nói việc tham gia vào cuộc thi "Duyên dáng Ngoại Thương" vào năm ngoái là một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến với ung thư của tôi.
Mọi việc diễn ra như một cơ duyên. Tình cờ thấy thông báo về cuộc thi, tôi đăng ký với suy nghĩ đơn giản là làm một điều gì đấy đặc biệt cho bản thân trong khoảng thời gian "đen tối" ấy.
Không ngờ rằng, mình lại được vào vòng trong. Từ cảm giác bỡ ngỡ đến khi càng vào sâu hơn, tôi lại càng cảm thấy tự tin hơn và nghiêm túc xem đây là một cuộc thi thực sự.
Khoảnh khắc bước trên sân khấu trong đêm chung kết, cũng là lúc tôi đã chiến thắng chính bản thân mình. Trong cuộc thi này, tôi đã giành giải thưởng "Hoa khôi truyền cảm hứng".
Kể từ Duyên dáng Ngoại Thương, cách mà tôi đối mặt với ung thư đã thay đổi 180 độ. Tôi tìm lại được niềm vui sống và tự nhắc bản thân rằng kiên cường chiến đấu là lựa chọn duy nhất.
Điều may mắn nhất là trong cuộc chiến với ung thư, tôi không hề đơn độc. Gia đình, bạn bè và chính những bệnh nhân ung thư khác luôn là chỗ dựa vững chắc, cũng như nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với tôi.
Thử thách đầu tiên phải nhắc đến chính là những tác dụng phụ của các liệu trình điều trị.
Vào thời điểm phát hiện, bệnh ung thư của tôi đã ở giai đoạn 2A. Do đó, bên cạnh phẫu thuật cắt bỏ khối u và vét hạch nách, tôi phải tiếp tục điều trị bằng hóa, xạ trị.
Ngày 23/7 năm ngoái, tôi được truyền mũi hóa chất đầu tiên. Cảm giác như mình say xe nhưng không thể nôn được; người mệt lả không làm được gì, cũng không ăn được.
Trong toàn bộ thời gian điều trị, tôi truyền tổng cộng 4 mũi hóa chất đỏ, 12 mũi chất trắng, 18 mũi hóa chất đích, 24 mũi xạ trị.
Thế nhưng, đối với tôi "chướng ngại vật" lớn nhất lại chính việc phải làm quen với cơ thể mới của mình.
Ung thư lấy đi của tôi những thứ vẫn được xem là "niềm kiêu hãnh" của người con gái: Vòng một không còn nguyên vẹn; mái tóc dài mượt không còn; da và móng tay xạm đi vì hóa chất và còn cả những thay đổi ở bên trong.
Khoảng thời gian đầu học cách chấp nhận ngoại hình mới này rất khó khăn. Tuy nhiên, khi chứng kiến những em nhỏ bị ung thư xương phải cắt cụt chi nhưng vẫn hồn nhiên, vui tươi đã tác động mạnh tới tôi.
"Tóc rụng rồi thì sẽ mọc lại. Hiện tại chưa đẹp thì sau này sẽ hồi phục dần", tôi tự động viên mình như vậy để thích nghi.
Trước hết, tôi biết sống trách nhiệm với bản thân của mình hơn. Ngày trước, việc tôi thức khuya đến 3-4 giờ sáng rồi đi ngủ đến 1-2 giờ chiều hôm sau là chuyện cơm bữa. Thế nhưng từ khi mắc ung thư, giờ lên giường của tôi muộn nhất là 10 giờ tối. Thay vì ăn vội ngoài hàng quán, tôi tự thưởng cho mình những bữa ăn do chính tay mình đạo diễn. Cùng với đó, tôi còn tập thói quen đi bộ. Từ nhà đến trường, đi siêu thị hay hôm nay đi tới đây tôi đều không phải dùng đến xe.
Quãng thời gian nghỉ ở nhà để điều trị ung thư cũng khiến tôi nhận ra ý nghĩa của gia đình. Trước đây, tôi coi những điều bố mẹ quan tâm đến mình là chuyện hiển nhiên và không bao giờ để ý đến. Tuy nhiên, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất tôi mới thấy dù có thế nào, mình vẫn luôn có một nơi để trở về.
Cũng nhờ "Đại học K" mà tôi biết mình cần phải sống có trách nhiệm với với cộng đồng. Bản thân đã phải trải qua những biến cố, tuyệt vọng, tôi có được sự đồng cảm và thấu hiểu thực sự với những hoàn cảnh khó khăn và thấy rằng mình phải làm một điều gì đó để san sẻ cùng họ.
Đương nhiên hiện tại tôi cần phải hoàn thành chương trình Đại học của mình. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ cho bệnh nhi ung thư mà tôi đang theo đuổi.
Tương lai sắp tới, tôi muốn đi du học để làm giàu kinh nghiệm cũng như đem lại những trải nghiệm mới cho bản thân. Tôi nghĩ rằng, mình còn trẻ thì phải học hỏi nhiều nhất có thể.
Các bạn hãy can đảm đối mặt với hiện thực vì đó là con đường duy nhất. Chiến đấu với bệnh tật bằng một tinh thần lạc quan nhất có thể và nên nhớ bạn không chỉ có một mình.
Một điều cũng rất quan trọng là hãy dành thời gian nhiều hơn cho gia đình bởi đó là thứ quý giá nhất mà bạn đang có.
Xin cảm ơn Tiên về cuộc trò chuyện này!
Bài viết : Minh Nhật
Ảnh: Sơn Tùng
Video: Nguyễn bắc
Thiết kế: Khương Hiền