Động lực kinh tế

Hãng máy bay Embraer mới công bố báo cáo Sách Trắng với tiêu đề "Tiềm năng kết nối hàng không của Việt Nam", đề cập đến tình hình phát triển thị trường hàng không Việt Nam và đánh giá tiềm năng liên kết kinh tế của dòng phản lực dân dụng cỡ nhỏ.

Đánh giá vai trò của hàng không, báo cáo viết: "Kết nối hàng không là chìa khóa để khai phá tiềm năng phát triển kinh tế, một phần vì việc này tạo điều kiện cho đất nước thu hút đầu tư kinh doanh và nguồn nhân lực, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch".

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), vận tải hàng không đóng góp 2,6 tỷ USD vào GDP của Việt Nam. Chi tiêu của du khách quốc tế đóng góp 9,9 tỷ USD, nâng mức tổng lên 12,5 tỷ USD. Nguồn thu từ vận tải hàng không và du khách quốc tế bằng đường hàng không chiếm 5,2% GDP cả nước.

Embraer chỉ ra rằng thị trường Việt Nam đang phụ thuộc vào máy bay công suất lớn và dịch vụ chủ yếu tập trung cho các chặng bay chính để tận dụng tối đa sức chứa của máy bay cỡ lớn, song nhược điểm này là khó kết nối khu vực có nhu cầu bay thấp hoặc trung bình, các sân bay bị hạn chế về địa hình như Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau… Trong khi đó, một mạng lưới hàng không hiệu quả kết nối trung tâm tài chính lớn và cộng đồng nhỏ mới là chiếc chìa khóa dẫn tới sự tăng trưởng bền vững và đồng đều trong dài hạn.

Về giải pháp, Embrarer nhận định máy bay phản lực loại nhỏ là lựa chọn khả thi để cải thiện dịch vụ hàng không và nâng cao liên kết kinh tế. Ngoài lợi thế như trọng tải lớn hơn máy bay sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt, sức chứa tối ưu, chi phí tiết kiệm, cải thiện chất lượng dịch vụ…, việc sử dụng dòng phản lực nhỏ vào bản đồ hàng không nội địa còn mở rộng khai thác bay đến địa điểm mới, trở thành đòn bẩy trong công cuộc kết nối kinh tế và thúc đẩy sự phát triển chung.

Minh chứng điển hình

Chọn Bamboo Airways là minh chứng điển hình trong việc áp dụng phương thức này tại Việt Nam, Embraer lấy ví dụ dòng máy bay Embraer E190 đã giúp Bamboo Airways mang dịch vụ hàng không phản lực đến Côn Đảo.

Trước năm 2020, Côn Đảo chỉ có chuyến bay trực tiếp đến/từ Hồ Chí Minh và Cần Thơ, sử dụng máy bay có động cơ tuốc bin cánh quạt. Sau khi Bamboo Airways khai thác mạng bay bằng máy bay Embraer, việc đi lại, du lịch của người dân và du khách cải thiện rõ rệt.

Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của COVID-19, sân bay phục vụ 447.750 hành khách, tăng 4% so với năm 2019. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng du khách đến Côn Đảo tăng 2,06 lần so với cùng kỳ năm 2020, tập trung tăng cao trong tháng 3 và tháng 4/2021. Doanh thu dịch vụ du lịch 6 tháng đầu năm tăng 1,47 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Với việc lần đầu tiên có hãng hàng không mở cùng lúc nhiều đường bay thẳng tới Côn Đảo, đồng thời đưa vào vận hành Phòng chờ Thương gia, hành khách có thêm nhiều lựa chọn về chuyến bay và chất lượng dịch vụ khi kết nối Côn Đảo, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí và công sức di chuyển. Các đường bay của Bamboo Airways trở thành động lực tiếp sức để du lịch Côn Đảo phát triển hết tiềm năng.

Nối dài dấu ấn tiên phong

Embraer cũng đánh giá hiệu quả của dòng máy bay phản lực loại nhỏ ở mức độ phát triển mạng lưới hàng không rộng khắp.

"Giống như Côn Đảo, máy bay phản lực loại nhỏ có thể đem lại lợi ích cho các sân bay khu vực khác như Cà Mau, Điện Biên Phủ và Rạch Giá bằng cách giúp các sân bay này tiếp cận một mạng lưới rộng lớn hơn cũng như các dịch vụ thường xuyên và có kết nối tốt hơn", báo cáo viết.

Từ ngày đầu thành lập, Bamboo Airways đã đặt mục tiêu đầu tư nghiêm túc tại thị trường ngách nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế - xã hội liên vùng qua đó tạo ra những cú huých phát triển mạnh mẽ. Minh chứng cho chiến lược này là kế hoạch mở rộng mạng bay tới sân bay vốn bị giới hạn khai thác bởi điều kiện hạ tầng. Đến nay, Bamboo Airways là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam sử dụng máy bay phản lực Embraer trên các đường bay thẳng đến Côn Đảo, Điện Biên, Rạch Giá…

Lãnh đạo Tỉnh Điện Biên đánh giá: "Với chủng loại máy bay khai thác hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt, giá vé hợp lý, Bamboo Airways đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Sự tham gia của hãng thông qua việc khai thác đường bay đến Điện Biên đã góp phần thay đổi cơ bản hoạt động vận tải hàng không tại Điện Biên theo chiều hướng tích cực".

Với kịch bản mức độ phục hồi hoàn toàn vào năm 2023, Embraer dự đoán mức tăng trưởng dự kiến của lưu lượng hàng không đi đến, xuất phát từ Việt Nam và trong nội địa hàng năm đạt 12% trong 10 năm tới – tỷ lệ tăng trưởng kép cao nhất Đông Nam Á.

"Trước triển vọng phục hồi của toàn ngành, Bamboo Airways đặt mục tiêu mở rộng chất lượng dịch vụ của hãng tại các vùng trọng điểm, qua đó góp phần kiến tạo vùng động lực phát triển kinh tế, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước", đại diện Bamboo Airways cho biết.

Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế