Các cuộc biểu tình tại Hong Kong đã kéo dài hơn 6 tháng. Ảnh: Getty.  

Dự luật về dân chủ, nhân quyền nhằm ủng hộ dân chủ ở Hong Kong đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua, gửi thẳng đến bàn của Tổng thống Trump.

Dự luật này đồng nghĩa với việc không tán thành Bắc Kinh can thiệp vào các cuộc biểu tình phản đối chính quyền đã kéo dài ở Hong Kong trong nhiều tháng qua. Nhưng nếu dự luật được chính thức thông qua, tác động không chỉ xảy ra với Trung Quốc, một số nhà quan sát cho hay.

Văn phòng thương mại Mỹ tại Hong Kong đã bày tỏ lo ngại về những tác động không mong muốn, và phản tác dụng của dự luật, đặc biệt là nội dung về các biện pháp kiểm soát và trừng phạt xuất khẩu.

Một ngày sau khi Thượng viện thông qua dự luật, Hạ viện Mỹ cũng thông qua với tỷ lệ áp đảo (417 phiếu thuận/1 phiếu chống), gửi tính hiệu cảnh báo đến Trung Quốc liên quan đến nhân quyền. Tổng thống Trump cũng dự kiến sẽ ký ban hành luật, theo truyền thông Mỹ.

Vấn đề hiện nay mà Tổng thống Trump phải đối mặt là khi chính quyền của ông đang tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại nhạy cảm với Bắc Kinh và chính bản thân tổng thống Trump đang nằm trong "tâm chấn" các phiên điều trần luận tội tại Hạ viện.

Nếu được thông qua, dự luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong sẽ yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải xác nhận hàng năm rằng Hong Kong duy trì đủ quyền tự trị để được Mỹ dành cho quy chế thương mại đặc biệt giúp lãnh thổ này trở thành trung tâm tài chính thế giới.

Hong Kong đã được hưởng sự ưu đãi này từ năm 1997, khi được Anh trao trả về Trung Quốc.

Nếu Washington nhận thấy Bắc Kinh không tôn trọng quy tắc này, Mỹ sẽ loại bỏ vị trí đặc biệt mà Hong Kong đang được đảm bảo như mức thuế thấp, nới lỏng các yêu cầu visa hơn so với đại lục. Dự luật cũng cho phép đóng băng tài sản hay thu hồi thị thực của các cá nhân được cho là có liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông.

Dự luật cũng có thể ảnh hưởng đến việc chuyển giao các công nghệ nhạy cảm với các ứng dụng quân sự tiềm năng, một nguồn thạo tin cho hay.

Gavekal, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Hong Kong, cảnh báo rằng dự luật có thể giáng một đòn mạnh vào vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong.

Tổng cộng có 1.344 công ty Mỹ hoạt động trong lãnh thổ, bao gồm các ngân hàng đầu tư và nhà giao dịch. Trong số này, có 278 công ty đặt trụ sở đại diện cho các hoạt động tại Trung Quốc hoặc châu Á.

Nếu dự luật được thông qua, các doanh nghiệp có thể coi đó là tín hiệu cho thấy Washington coi Hong Kong chỉ là một thành phố khác của Trung Quốc và xem xét lại việc duy trì các văn phòng tại đây

Thành phố này đã đặt 45,6 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ vào năm ngoái, nhưng chỉ có 1% thực sự có nguồn gốc từ Hong Kong, số còn lại là hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác. Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đại lục và vận chuyển qua Hong Kong cũng được coi là hàng Trung Quốc.

"Các tác động chủ yếu ở lĩnh vực tài chính và dịch vụ", ông Minoru Nogimori thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết.

Theo Trí Thức Trẻ