Một gia đình ở Indonesia cầu nguyện trước mộ một người thân vừa qua đời ở Jakarta (Ảnh: Getty).

Giai đoạn khó khăn nhất

Trong tuần này, thủ đô Jakarta (Indonesia) buộc phải gia hạn các biện pháp khẩn cấp, trong khi Bangkok (Thái Lan) ngừng tất cả các chuyến bay ra vào, Kuala Lumpur (Malaysia) bước vào tháng thứ hai thực hiện lệnh cấm ra đường và đóng cửa các cửa hàng trong một đợt phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc.

Các tuyến phố ở đây và thậm chí ở những thành phố nhỏ hơn bỗng chốc trở nên vắng vẻ, khung cảnh tương tự từng thấy ở châu Âu và Mỹ hồi năm ngoái. Một thực trạng tương tự khác nữa là mỗi ngày khu vực này có hàng nghìn người tử vong hoặc hấp hối vì Covid-19, trong khi hệ thống y tế phải vật lộn đối phó.

Thậm chí ở Singapore, nơi một nửa dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, đà tăng kỷ lục của các nhiễm mới những ngày gần đây buộc chính phủ nước này một lần nữa phải siết các biện pháp giãn cách xã hội.

Jakarta vắng vẻ như "thành phố ma" vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: Bloomberg).

"Đây là giai đoạn đen tối nhất của Đông Nam Á trong đại dịch này", Richard Maude, giám đốc điều hành chính sách của Hiệp hội nghiên cứu châu Á tại Australia nhận định. Chuyên gia này bình luận thêm: "Các chính phủ trong khu vực đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn số ca nhiễm gia tăng do sự xuất hiện của biến chủng Delta. Trong khi đó, người dân ở nhiều nơi đã bắt đầu mệt mỏi với cuộc chiến dường như không có hồi kết này. Tỷ lệ tiêm chủng vẫn tương đối thấp để có thể sống chung với Covid-19".

Tại Indonesia, giới chức y tế cảnh báo, nhiều bệnh viện trên đảo Java đã "thất thủ". Tại Myanmar, các bệnh viện, nhà xác cũng quá tải, nhiều bệnh nhân chết khi cách ly tại nhà.

Kinh tế các nước trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Với hàng chục triệu người bị phong tỏa, nhiều ngành hạn chế hoạt động, dịch bùng phát mạnh trở lại khắp Đông Nam Á khi mà các nền kinh tế ở đây vẫn đang gồng mình thoát khỏi đà suy giảm. Con đường khôi phục sau đại dịch sẽ chậm hơn và khó khăn hơn", chuyên gia Maude nhận định.

Nỗ lực thoát đại dịch

Người dân xếp hàng giãn cách chờ tiêm chủng tại một trung tâm tiêm chủng ở ngoại ô Kuala Lumpur hồi tháng 6 (Ảnh: Diplomat).

Chính phủ khắp Đông Nam Á đang nỗ lực kêu gọi người dân tiêm chủng để tránh những kịch bản tồi tệ nhất mà biến chủng Delta có thể gây ra. Tại Indonesia, quân đội, cảnh sát và hàng nghìn công chức, đã được huy động để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Họ đến từng nhà để tiêm chủng cho những người cao tuổi.

Arya Sandhiyudha, giám đốc điều hành Sáng kiến Dân chủ Indonesia và cũng là giám đốc cơ quan hợp tác thuộc Hội Chữ Thập đỏ Indonesia ở Jakarta, nhấn mạnh "vắc xin cho tất cả" phải là phương châm hành động.

"Số ca nhiễm và tử vong tăng cao đã cảnh tỉnh người dân. Họ ý thức được rằng mối đe dọa Covid-19 là có thật và cách hiệu quả nhất để đối phó với nó là tuân thủ các khuyến cáo y tế, tuân thủ các chính sách mà chính phủ đưa ra, trong đó có các biện pháp hạn chế, và trên hết là tiêm chủng", ông Arya nói. "Tất cả phải hợp tác với nhau bởi Covid-19 không lựa chọn ai sẽ là nạn nhân", ông nhấn mạnh.

Tuy vậy, tâm lý ngại tiêm vắc xin vẫn là điều đáng lo ngại. Một báo cáo của Viện Khảo sát Indonesia gần đây cho thấy, 1/3 người tham gia khảo sát nói rằng họ không sẵn sàng tiêm vaccine bởi họ lo ngại về những tác dụng phụ của nó.

Giới chức Indonesia cũng như giới chuyên gia khẳng định, các vắc xin hiện tại vẫn có hiệu quả đối với biến chủng Delta. Ông Hindra Irawan Satari, một quan chức Bộ Y tế Indonesia, nhiều lần khẳng định về sự an toàn của các vắc xin hiện có. Ông nói: "Hiện tại, tiêm vắc xin vẫn tốt hơn là không tiêm và vắc xin tốt nhất là loại vắc xin đang có sẵn".

 

 Minh Phương (Nguồn Australia Financial Review)
Theo Dân trí