Ở Việt Nam, chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… chiếm tỷ lệ khá cao, vì vậy giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao khiến giảm sức hút đầu tư và cạnh tranh của hàng hóa trong và ngoài nước. Theo thống kê, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia... từ 6-20%, thậm chí cao gấp 3 lần so với Singapore. Như vậy các chi phí logistics nếu không được quản lý và giảm thiểu hiệu quả sẽ trở thành trở ngại lớn với doanh nghiệp trong nước cũng như giảm tính cạnh tranh giá thành sản phẩm với các khu vực.

Trong ngành Nhựa, An Phát Holdings là doanh nghiệp có tỉ trọng xuất khẩu lớn, các mảng xuất khẩu trọng tâm gồm bao bì nhựa, nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, đặc biệt mảng bao bì nhựa chiếm đến 90%. Hiện thị trường xuất khẩu chiếm khoảng 50% doanh thu toàn Tập đoàn và được đánh giá là thị trường đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, chi phí logistics của An Phát Holdings chiếm tỉ lệ khá cao, cùng với đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam đang diễn ra phức tạp, khiến giao thương hàng hóa trong và ngoài nước bị trì trệ. Điều này đã thúc đẩy doanh nghiệp này vận dụng công nghệ số đầy sáng tạo để gỡ nút thắt trong việc giảm chi phí logistics và sử dụng hiệu quả trong mùa dịch.

Hệ thống chào giá trực tuyến APH Freight Market được An Tín Logistics và An Phát Holdings xây dựng và đưa vào thử nghiệm từ đầu năm 2020 và vừa chính thức được vận hành. Đây là phần mềm đấu thầu trực tuyến trong ngành logistics đầu tiên tại Việt Nam, giúp đối tác có thể tham gia ở bất kỳ nơi nào có truy cập internet, giúp các cuộc đấu giá trở nên thân thiện và giảm tải được chi phí tham dự đấu giá và hạn chế tiếp xúc đông người.

Hệ thống này có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách đấu thầu truyền thống trực tiếp đó là công bố thông tin, tiêu chí, giá trần cụ thể, rõ ràng, công khai số lượng đơn vị đấu thầu một cách minh bạch hiển thị trên hệ thống. Cách làm này nhằm mục đích tìm kiếm đối tác đảm bảo chất lượng dịch vụ và có chi phí thấp nhất, đồng thời nâng cao tính minh bạch, tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải.

Ông Nguyễn Đức Long – TGĐ Công ty CP Liên vận An Tín giới thiệu về hệ thống chào giá trực tuyến APH Freight Market

Chia sẻ về hệ thống chào giá trực tuyến APH Freight Market, ông Nguyễn Đức Long – TGĐ Công ty CP Liên vận An Tín, đơn vị trực tiếp vận hành hệ thống cho rằng việc sử dụng hệ thống này mang lại tín hiệu tích cực, có những đơn giảm được 5-10% giá cước, giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Khi xây dựng nền tảng chào giá trực tuyến, An Tín Logistics và An Phát Holdings sẽ xây dựng được mạng lưới kinh doanh rộng khắp. Số lượng công ty giao nhận vận tải tham gia đấu giá càng lớn sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình hệ thống này, ngược lại số lượng doanh nghiệp sử dụng mô hình hệ thống lớn sẽ làm tăng công ty giao nhận vận tải tham gia đấu giá. Như vậy, càng có nhiều hoạt động thì hệ thống càng lớn mạnh và mô hình kinh doanh càng trở nên có giá trị cho những người tham gia.

Kế hoạch trong giai đoạn tới, ông Long cũng cho biết thêm An Tín Logistics đang xây dựng thêm hệ thống chào giá vận tải đường bộ (trucking), dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp tiết giảm tối đa chi phí vận tải đường bộ cho các đơn hàng vận chuyển trong nước và các nước lân cận. Các nền tảng chào giá trực tuyến sẽ ngày càng được mở rộng cải tiến thêm nhiều tính năng mới để không chỉ mang lại tiện ích cho Tập đoàn và các công ty thành viên mà còn có thể tri ân khách hàng, đối tác thân thiết.

Dự án này được xem là bước đi táo bạo của An Phát Holdings, cũng là cách giải quyết mang tính sáng tạo khi dịch bệnh đang trở nên phức tạp. Vừa rút ngắn được các chi phí tham gia đấu thầu, đảm bảo được các thông tin công bố minh bạch, rõ ràng đồng thời sẽ hạn chế được các nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Khi được áp dụng rộng rãi, hệ thống chào giá trực tuyến có ý nghĩa quan trọng. Doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics ngày càng nhiều thì bắt buộc các doanh nghiệp logistics phải tự thay đổi mình để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe hơn. Điều này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và đặc biệt là ngành logistics Việt Nam.

Theo Nhịp sống kinh tế