Hội thảo "Bứt phá trong trải nghiệm khách hàng với công nghệ AI và RPA" diễn ra lúc 14h tại Hà Nội, TP HCM và trực tuyến trên nền tảng Webex là sự kiện kết nối giữa doanh nghiệp khối tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các sản phảm trí tuệ nhân tạo.

Tập đoàn FPT, đơn vị tổ chức hội thảo kỳ vọng đây là cơ hội cho những doanh nghiệp Việt làm quen với xu hướng ứng dụng AI cũng như tìm ra giải pháp phù hợp cho nội tại.

b52b5907a48859d60099-1-5950-1593680587.j

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Tuấn Cao

Với thời lượng 2 tiếng, Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt, Giám đốc sản phẩm akaBot Bùi Đình Giáp (thuộc FPT Software) và lãnh đạo cao cấp về Fintech (công nghệ tài chính) của Ernst & Young (EY), ông Varun Mittal cùng nhau phân tích chuyên sâu về xu hướng đưa AI vào các sản phẩm chăm sóc khách hàng và vận hành tại doanh nghiệp.

Theo ông Varun Mittal, trí thông minh nhân tạo là cụm từ trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. AI giúp doanh nghiệp cải tiến công tác vận hành, tăng doanh thu và giảm chi phí nhân sự. Đặc biệt, doanh nghiệp nhờ AI sẽ quản trị và giảm thiểu rủi ro tốt hơn.

Trí tuệ nhân tạo tại doanh nghiệp chia làm 3 tầng, gồm: hệ thống được xây dựng dựa trên quy tắc nhất định, học máy và học sâu. Doanh nghiệp lần lượt áp dụng theo những cấp độ này để tối ưu hoá tác vụ.

Để áp dụng AI, doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu, phân tích những yếu tố về nguồn lực. Tiếp theo là bước ươm mầm, đại diện EY gọi đây là "giai đoạn quan trọng khi chủ thể lựa chọn việc tự phát triển AI hay thuê mua toàn bộ quá trình".

Ông Bùi Đình Giáp, ông Lê Hồng Việt và ông Dương Lê Minh Đức trả lời câu hỏi từ doanh nghiệp.

Từ trái qua: ông Bùi Đình Giáp, ông Lê Hồng Việt và ông Dương Lê Minh Đức trả lời câu hỏi từ doanh nghiệp. Ảnh: Cao Tuấn

"Trung bình 18 tháng, năng lực xử lý của các công cụ AI tăng lên gấp đôi, đồng thời chi phí giảm đi một nửa", ông Varun Mittal dẫn số liệu từ nghiên cứu của EY.

Trong quá trình xây dựng và phát triển các nền tảng AI tại FPT, ông Dương Lê Minh Đức - chuyên gia giải pháp FPT.AI cho biết đây là công cụ tạo nên sự chủ động của doanh nghiệp trong mối quan hệ với khách hàng.

Từ thực tế làm việc với khách hàng, ông Đức kể lại 3 câu chuyện FPT từng thành công khi thiết kế những sản phẩm này cho doanh nghiệp. 3 khách hàng này là ngân hàng, đơn vị cho vay tín chấp và doanh nghiệp tài chính. Cả 3 đều có chung yêu cầu về nâng cao trải nghiệm, độ hài lòng và tỷ lệ chuyển đổi sang bán hàng. Những chỉ số cải thiện đáng kể sau khi ứng dụng những sản phẩm AI của FPT. Đặc biệt, chỉ với một lượng nhân viên nhập liệu hay tổng đài ít ỏi, những doanh nghiệp này vẫn có hiệu quả kinh doanh tăng trưởng.

Đối với sản phẩm RPA, ông Bùi Đình Giáp - Giám đốc sản phẩm akaBot cho biết có thể đáp ứng các nhu cầu trên với triển khai nhanh chóng trong một tuần, tốc độ xử lý cao, phản hồi tốt gấp 10 con người. Hiện các nền tảng của FPT cho tỷ suất hoàn vốn (ROI) lên đến 70%.

AkaBot có tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, tài chính, bán lẻ, theo đúng xu hướng của thế giới. Robot này có sẵn quy trình cụ thể, có thể xác nhận giao dịch chuyển tiền, không chỉ tiết kiệm chi phí mà giảm thời gian, cung cấp dịch vụ 24/7, tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Tư vấn 1-1

Chiếm gần một nửa thời lượng hội thảo là phần tư vấn, trả lời câu hỏi trực tiếp giữa doanh nghiệp và chuyên gia FPT. Các câu hỏi chủ yếu tập trung vào cách thức ứng dụng AI và RPA, hiệu quả của hai sản phẩm này và nguồn lực.

Ông Lê Hồng Việt- Giám đốc Công nghệ FPT. Ảnh: Cao Tuấn

Ông Lê Hồng Việt- Giám đốc Công nghệ FPT. Ảnh: Cao Tuấn

Đại diện một doanh nghiệp đặt câu hỏi, giải pháp từ FPT có gì khác biệt so với các nhà cung cấp chatbot trên thị trường hiện nay, đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của mỗi doanh nghiệp.

Ông Lê Hồng Việt - CTO FPT cho biết, hiện thị trường có nhiều hệ thống chatbot với mức giá khác nhau, điểm khác biệt ở chatbot FPT là khả năng tương tác, gắn kết với khách hàng sâu. FPT theo đuổi mô hình mà chatbot với người tương tác thoải mái, sử dụng ngôn ngữ trong ngữ cảnh một cách tự nhiên. Thêm vào đó, chatbot không thay thế con người mà người và máy cùng tương tác với khách hàng

Về cơ chế đo lường hiệu quả, đại diện FPT cho biết, chatbot có tích hợp sẵn tính năng đo độ hài lòng của khách hàng, tỷ lệ thành công, tỷ lệ người hỗ trợ... Khi xây dựng chatbot cho doanh nghiệp, đội ngũ cũng sẽ đưa ra tư vấn về nội dung đoạn hội thoại, cách thức để giao tiếp tập trung thay vì nội dung lan man, tăng sự tương tác từ khách hàng.

Đại biểu lắng nghe các thông tin do chuyên gia FPT chia sẻ. Ảnh: Cao Tuấn

Đại biểu lắng nghe các thông tin do chuyên gia FPT chia sẻ. Ảnh: Cao Tuấn

Với câu hỏi về khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi triển khai AI, RPA là gì? Ông Dương Lê Minh Đức nói doanh nghiệp cần thời gian để chatbot hoàn thiện. Nói đơn giản, đây là quá trình tự học để chatbot trở nên thông minh qua việc nạp dữ liệu. Với RPA, doanh nghiệp luôn kỳ vọng có thể giải quyết hoàn toàn những bài toán gặp phải, ông Bùi Đình Giáp tính toán việc này cần đến sư chuẩn bị hạ tầng và thời gian khá dài.

"Nóng vội sẽ khiến doanh nghiệp không hiểu cơ chế hoạt động và cách AI tác động lên vận hành", ông Giáp nhấn mạnh.

Kết thúc hội thảo, ông Lê Hồng Việt chia sẻ về mong muốn vươn tầm AI của FPT. Những sản phẩm không chỉ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh mà còn tạo ra môi trường cho nghiên cứu AI phát triển. Trong thời gian tới, FPT sẽ bổ sung thêm các tính năng mới của những nền tảng AI đang có.

 

Theo Dân trí