Bà không đăng ký dịch vụ y tế quốc gia Italy, không có địa chỉ cố định, không số an sinh xã hội và không nằm trong danh sách tiêm chủng.

Cuối tuần qua, Pacholczak cùng 900 người khác tham gia "đêm tiêm chủng" có tên Open Night, nghĩa là bất cứ cũng có thể nhận vaccine, nếu sức khỏe cho phép.

"Tôi không làm được gì nếu chưa tiêm vaccine. Tôi không thể làm việc hoặc đi du lịch trong thời gian này", người phụ nữ 65 tuổi nói khi đang nắm chặt tấm thẻ số 850.

Angelo Tanese, Tổng giám đốc cơ quan y tế ASL Roma 1, cho biết sáng kiến này nhắm đến những người "ở bên lề xã hội, nhóm yếu thế nhất". Điểm tiêm chủng đặt tại hành lang của bệnh viện Santo Spirito, gần Vatican.

Để thu hút đám đông, ban tổ chức mời một nghệ sĩ dương cầm tới biểu diễn buổi tối, phát cà phê, bánh sừng bò vào sáng hôm sau. Bác sĩ và y tá tiêm vaccine Johnson & Johnson cho người vô gia cư, người nhập cư không có giấy tờ, du học sinh và người nước ngoài làm việc hợp pháp ở Rome nhưng chưa đăng ký với dịch vụ y tế quốc gia.

Khác với AstraZeneca, Moderna và Pfizer, vaccine Johnson & Johnson chỉ cần tiêm một liều, đặc biệt hữu dụng với những người khó tiếp cận chương trình chủng ngừa, không đủ rảnh để tiêm hai lần.

Người sinh sống và làm việc tại Italy tham gia đêm tiêm chủng Open Night tại bệnh viện Santo Spirito, ngày 3/7. Ảnh: Shutterstock

Người sinh sống và làm việc tại Italy tham gia đêm tiêm chủng Open Night tại bệnh viện Santo Spirito, ngày 3/7. Ảnh: Shutterstock

Ông Tanese cho biết khoảng 80% người nhận vaccine ở Santo Spirito là dân nhập cư không có giấy tờ. Được thành lập từ thế kỷ 12, bệnh viện đã trải qua thời kỳ chiến tranh và đại dịch với tinh thần chia sẻ công bằng, nhân đạo. Tanese nói: "Đó là sứ mệnh của bệnh viện này".

Gianfranco Costanzo, giám đốc y tế của Viện Y tế, Di cư và Nghèo đói Quốc gia, ước tính ít nhất 70.000 người sống tại Italy chưa đăng ký dịch vụ y tế quốc gia.

"Đó là con số lớn, đặc biệt trong đại dịch", ông nói. "Nó cũng đặt ra câu hỏi về quyền lợi, bởi tôn chỉ của hệ thống y tế là đảm bảo ai cũng được tiêm vaccine, bất kể địa vị xã hội".

Theo ông Costanzo, khi các biến thể nCoV khiến dịch bệnh toàn cầu nóng trở lại, tiêm chủng nhanh chóng cho càng nhiều người càng tốt là nhiệm vụ cấp thiết. Virus đã xâm nhập một số vùng ở Italy, đặc biệt những khu vực tụt lại phía sau.

Antonio Mumolo, chủ tịch hiệp hội hỗ trợ người vô gia cư Avvocato di Strada, nói: "Nay là Covid-19, trước kia là lao. Mầm bệnh truyền nhiễm luôn tồn tại. Nếu mọi người không được chăm sóc, sức khỏe cộng đồng sẽ gặp rủi ro".

Tiến sĩ Alessandro Verona, thành viên tổ chức từ thiện INTERSOS, nhận định đại dịch cho thấy những hạn chế của dịch vụ y tế địa phương.

"Điều này gây hoang mang cho những người nằm ngoài hệ thống, đặc biệt người phải di chuyển giữa các khu vực, công nhân, nông dân nước ngoài. Thế giới đã thay đổi, những người di cư, người bị thiệt thòi cần được bảo vệ. Chúng ta phải chuyển khái niệm, từ ‘nhóm dân số khó tiếp cận' sang ‘hệ thống y tế quốc gia thân thiện’", ông nói.

ASL Roma 1 cũng đang làm việc với các tổ chức tình nguyện để tăng tỷ lệ tiêm chủng cho nhóm yếu thế. Họ đến thăm các khu định cư ở Roma, các toà nhà tạm, tiêm vaccine cho người vô gia cư thông qua những chương trình như Open Night.

Tiến sĩ Paolo Parente, lãnh đạo mô hình chăm sóc sức khỏe cải tiến của ASL Roma 1, nói: "Chúng tôi cảm thấy cần có trách nhiệm khi một phần của cộng đồng chưa được tiêm chủng. Đã đến lúc chú ý vào những người dễ tổn thương nhất".

Tính đến 4/7, gần 20 triệu người Italy, tương đương 32% dân số được tiêm vaccine.

Đám đông tụ tập tại Santo Spirito rất đa dạng: một nhân viên Liên Hợp Quốc người Peru mới đến thành phố ba tuần trước; một cặp vợ chồng Trung Quốc tình cờ tìm thấy chương trình trên điện thoại; hai sinh viên Kazakhstan học tập tại Cassino; một phụ nữ Rwandan đang học kinh doanh; một nhân viên chăm sóc người Brazil chưa được tiêm chủng.

Một người nhập cư được tiêm vaccine Johnson & Johnson ngày 3/7. Ảnh: Shutterstock

Một người nhập cư được tiêm vaccine Johnson & Johnson ngày 3/7. Ảnh: Shutterstock

Đeo chiếc vòng cao su màu hồng có dòng chữ #IAmVaccinated (#Tôi Đã Tiêm Vaccine), Rose Marie Magada, đến từ Philippines, tỏ ra hạnh phúc sau nhiều tháng thấp thỏm.

"Thật tốt khi được bảo vệ khỏi virus", cô nói.

Laura Morettoni, y tá tại Santo Spirito, cho biết cô rất vui vì được là một phần của chương trình dù phải trực cả đêm.

"Tôi nghĩ những người vô gia cư và nhóm yếu thế sẽ cảm nhận sự quan tâm, chăm sóc", bà nói.

Open Night được thông báo rộng rãi trên tài khoản mạng xã hội của các đơn vị y tế. Nhiều người biết đến chương trình qua đội tình nguyện hoặc bạn bè.

Đối với Pacholczak, vì bị bệnh tim, bà chưa được tiêm chủng. Nhân viên y tế quyết định đưa bà vào danh sách chờ. Sau 24 tiếng không ngồi nghỉ, ông Tanese cho biết đơn vị chắc chắn sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tiêm vaccine tương tự.

"Nhưng không làm vào ban đêm nữa đâu, vì hơi mệt", ông cười và nói.

 

Thục Linh (Nguồn NY Times)
Theo vnexpress.net