Ngày 2-6, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, Sở Y tế và UBND quận Gò Vấp đã phối hợp triển khai quy trình khai báo y tế điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người dân khi ra, vào khu vực quận Gò Vấp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Quy trình khai báo điện tử được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu áp dụng từ 12 giờ ngày 3-6.

Người dân thực hiện khai báo y tế điện tử trước khi ra, vào khu vực quận Gò Vấp theo 3 bước và lưu tờ khai điện tử có mã QR được cấp trên điện thoại thông minh. Người dân nên chủ động khai báo y tế tại nhà trước khi thực hiện việc di chuyển ra, vào quận Gò Vấp.

3 bước khai báo y tế điện tử  

Khi người dân đến chốt kiểm soát ở cửa ngõ quận Gò Vấp, chỉ cần xuất trình mã QR đã lưu trên điện thoại thông minh cho nhân viên kiểm soát.

Trong trường hợp, người dân không sử dụng điện thoại thông minh, có thể nhờ người khác khai báo hộ và thông báo họ tên, số điện thoại trên tờ khai điện tử cho nhân viên kiểm soát.

Ngoài ra, UBND quận Gò Vấp sẽ triển khai bố trí lực lượng tình nguyện viên tại các chốt kiểm soát nhằm hỗ trợ việc khai báo hộ cho các trường hợp gặp khó khăn trong khai báo y tế điện tử.

Giai đoạn 2, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, và UBND quận Gò Vấp sẽ tiếp tục phối hợp mở rộng ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ kiểm soát dịch đối nhóm người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất được phép hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16.

Do đó, để chuẩn bị tổ chức thực hiện tốt, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực quận Gò Vấp và các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực quận Gò Vấp nhưng có người lao động đang cư trú trong khu vực quận Gò Vấp cần thực hiện khai báo thông tin của tổ chức, doanh nghiệp trên trang thông tin https://khaibaoyte.khambenh.gov.vn/ , hoàn thành trước ngày 5-6 và chịu trách nhiệm về thông tin khai báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu người dân, tổ chức và doanh nghiệp có góp ý, phản ánh hoặc đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ, vui lòng liên hệ tổng đài 1022.

Theo Người lao động