Gần nửa tháng nay, vợ chồng chị Ngân Hà (Hà Nội) mỗi ngày nhập hơn 500 chiếc bánh trung thu ở Hải Phòng về bán cho khách, hôm nào nhiều có thể lên tới 800 chiếc.

Chị cho biết, nhà chị đã làm nghề "xách tay" bánh trung thu tròn 3 năm. Đều đặn, cứ trước rằm tháng tám từ 15 - 20 ngày, vợ chồng chị lại cất cử, luân phiên nhau đi lấy hàng. Công việc khá đơn giản là xếp hàng tại tiệm, mua bánh và về bán lại cho khách.

"Tuy là công việc thời thụ nhưng nguồn thu mang lại khá tốt, thường mỗi chuyến hàng, chúng tôi lãi khoảng 1 - 1,2 triệu đồng. Do đa phần là bánh truyền thống, thời gian sử dụng ngắn nên nhà tôi thường lấy và giao trong ngày" - chị kể.

Dịch vụ xách tay bánh trung thu sôi động trên chợ mạng

Theo chị Hà, dù trên thị trường hiện có khá nhiều dòng bánh hiện đại nhưng khách hàng vẫn có xu hướng tìm về bánh truyền thống. Đơn cử như 2 cửa hàng bán bánh trung thu ở Hà Nội và Hải Phòng lúc nào cũng đông nghẹt, khách muốn mua đa phần đều phải xếp hàng chờ.

"Nhờ thế mà dân buôn như bọn tôi mới có cơ hội ăn lên làm ra. Bởi nhiều người ngại xếp hàng, ngại chờ đợi mà muốn ăn ngon nên sẽ tìm đến các tiểu thương. Một phần là các cửa hàng này không có đại lý nhượng quyền, chỉ có 1 cơ sở nên khách ở các tỉnh chỉ có cách mua xách tay" - chị tiết lộ.

Như nhà chị Hà, ngoài phục vụ khách lẻ ở Hà Nội còn bán buôn cho các đầu mối ở các tỉnh như Thái Nguyên, Hưng Yên, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Bánh sẽ được đóng theo thùng từ 50 chiếc và vận chuyển theo đường xe khách.

"Nếu lấy bánh từ Hải Phòng thì chiều tối tôi gửi xe khách, còn ở Hà Nội thì có hàng lúc nào tôi sẽ chuyển luôn. Do đi lại, vận chuyển khá tốn công nên khách phải lấy từ 50 chiếc trở lên tôi mới gửi" - chị nói.

Cảnh khách hàng nối đuôi nhau chờ mua bánh trung thu ở Thụy Khuê (Hà Nội)

Tương tự, chị Bảo Thư - chủ một cửa hàng hoa quả sạch ở Thái Nguyên - chia sẻ: Bắt đầu từ rằm tháng 7 là chị lại nhận đặt mua bánh trung thu gia truyền ở Hà Nội. Hàng sẽ được theo xe về trong ngày nên sáng khách đặt là chiều có đồ ngon.

"Ngày trước, khi tôi còn học ở Hà Nội, cứ vào dịp trung thu là người quen lại nhờ mua bánh. Đây không phải là loại bán ở siêu thị hay cửa hàng tiện lợi nên phải xếp hàng đến mua. Ban đầu tôi chỉ tính mua hộ nhưng sau đó lượng người nhờ gia tăng nên tôi mới mở dịch vụ xách tay bánh trung thu" - chị Thư kể lại.

Ngoài nhận đặt hàng trong nước, chị còn mở rộng khu vực nhập bánh ở các nước như Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan. Như mấy năm trước, nhờ cơn sốt bánh trung thu trứng chảy chị Thư thu về cả trăm triệu đồng tiền lãi. Bán từ rằm tháng 7 cho đến hết tháng 8 âm lịch mà vẫn cháy hàng, không đủ cung ứng.

Tuy nhiên, chị Thư cũng cho rằng, việc xách tay bánh trung thu cũng có nhiều may rủi bởi nếu khi vận chuyển lỡ làm méo, làm vỡ bánh là chỉ có nước bán rẻ bán tháo vì không ai mua.

"Hay như bánh ngoại nhập, dân buôn không thể đi lấy trực tiếp mà phải nhờ đến bên thứ 3. Nếu chỗ nhập không uy tín, kém chất lượng mà ôm số lượng lớn là sạt nghiệp như chơi".

Nhiều khách hàng có xu hướng quay lại chọn bánh trung thu truyền thống

Là một người nghiện vị bánh trung thu truyền thống, năm nay, gia đình anh Hải (Bình Thạnh, TP. HCM) đặt mua 5 hộp bánh từ tiệm Hà Nội, 5 hộp từ tiệm Hải Phòng. So với giá mua thẳng từ cửa hàng, mỗi hộp chênh nhau từ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc nhưng anh vẫn khá hào hứng.

"Thực ra, số tiền có chênh lên là phí mà tiểu thương đứng xếp hàng chờ mua bánh cho mọi người. Mỗi năm trung thu có một lần nên tôi cũng không để ý mấy, miễn là được ăn bánh ngon" - anh Hải hào hứng kể.

Theo anh Hải, việc chọn đặt mua bánh xách tay cần "chọn mặt gửi vàng". Bởi bánh đến tay người tiêu dùng không những đẹp, nguyên vẹn mà cần đảm bảo chất lượng. Thế nên, khâu vận chuyển, bảo quản cần nghiêm ngặt để bánh giữ được vị thơm ngon nhất.

Theo dân trí