Cuối tháng 2, trên các hội nhóm tại Facebook, nhiều người dùng đồng loạt chia sẻ cho nhau một tọa độ trên Google maps. Theo đó, khi tìm kiếm tọa độ này, kết quả sẽ hiển thị ra hình ảnh hồ Love Lake ở Dubai.

Đây được xem là một cách khá tinh tế nhằm thể hiện tình cảm yêu thương với đối phương. Tuy nhiên, điều này nhanh chóng trở thành thảm họa khi cư dân mạng Việt Nam đã biến nơi đây trở thành địa điểm check in theo cách vô cùng xấu xí.

Những địa điểm ảo do người dùng Internet Việt Nam tạo ra xung quanh hồ Love Lake ở Dubai.

Theo đó, không ít người dùng Internet tại Việt Nam đã gắn cờ, tạo địa điểm mới trên Google Maps nhằm hiển thị thông tin của bản thân tại đây. Hàng loạt cái tên tiếng Việt xuất hiện chi chít trên bản đồ xung quanh khu vực hồ Love Lake.

Động thái này của một bộ phận người dùng Internet tại Việt Nam đã khiến không ít người cảm thấy phẫn nộ và ngán ngẩm. Trên thực tế, người dùng có thể báo cáo với Google để xóa đi những địa điểm ảo này. Tuy nhiên, bất chấp các lượt report liên tục được gửi đi, những cái tên tiếng Việt mới vẫn liên tục mọc ra và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiện tại, sự việc này chưa gây ra quá nhiều hệ quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó có thể làm xấu hình ảnh của cộng đồng người dùng Internet Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Đây không phải là lần đầu tiên cư dân mạng Việt Nam làm loạn Google Maps. Năm 2016, khi cơn sốt Pokemon Go bùng nổ, không ít người dùng thiếu ý thức đã tạo ra vô số các địa điểm ảo, thậm chí là thay đổi cả vị trí của các địa điểm công cộng như trụ sở, trường học, nhà ga... để nhận được các vật phẩm từ trò chơi.

Những địa điểm ảo này chưa thể gỡ hết do nhiều người dùng Internet có ý thức kém vẫn liên tục tạo mới.

Khi đó, sự việc trên đã gây ra không ít khó khăn cho đội ngũ quản lý bản đồ Google. Thậm chí, đại diện của Google Map Maker Việt Nam đã phải lên tiếng trên Facebook nhằm kêu gọi mọi người dừng ngay các hành động phá hoại bản đồ vì Pokemon Go.

Theo khảo sát của Microsoft, trong năm 2019, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Tuy nhiên, điều này đã dần được cải thiện trong năm 2020. Theo đó, chỉ số Văn minh trên Không gian mạng (DCI) năm 2020 của Việt Nam đã đạt 72 điểm, tăng 6 bậc so với mức 78 điểm của năm trước.

 

Thế Anh
Theo Dân trí