Chuyên gia truyền thông Steve Bannon là giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2016, sau đó được bổ nhiệm làm cố vấn cấp cao, chiến lược gia trưởng trong chính phủ mới sau khi Trump đắc cử. Trump sa thải Bannon hồi tháng 8/2019 do những quan điểm đối lập về vấn đề Triều Tiên.

Bannon bị bắt sáng 20/8 với cáo buộc lừa đảo hàng trăm nghìn nhà tài trợ trong chiến dịch gây quỹ cho bức tường biên giới Mỹ - Mexico, chính sách được Trump nỗ lực thúc đẩy nhằm ngăn tình trạng di cư trái phép. Tuy nhiên, Bannon không nhận tội âm mưu lừa đảo và rửa tiền, sau đó được tại ngoại.

Sự việc này chỉ là một phần trong "tuần thảm họa" của Trump. Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hôm 18/8 công bố báo cáo điều tra cuối cùng của lưỡng đảng về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, kết luận Moskva đã gây tổn hại cho phe Dân chủ, tạo lợi thế giúp Trump chiến thắng hồi năm 2016.

Hôm 20/8, một tòa án Mỹ bác bỏ lập luận nhằm giữ bí mật hồ sơ thuế cá nhân của Trump, nhưng Tổng thống có thể tiếp tục kháng cáo. Trong khi đó, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ của Trump, kết thúc hội nghị quốc gia của đảng Dân chủ một cách suôn sẻ, không mắc những sai lầm như ông chủ Nhà Trắng dự đoán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 23/8. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 23/8. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, những vấn đề trong gia đình của Trump cũng bị công khai, giữa lúc ông chủ trì tang lễ cho em trai Robert, người qua đời vì một căn bệnh không được tiết lộ, tại Nhà Trắng. Theo các đoạn băng do Mary Trump, cháu gái Tổng thống, bí mật ghi âm vào năm 2018 và 2019, Maryanne Trump Barry, chị gái của Tổng thống, nói rằng ông "không hề có nguyên tắc", gọi ông là "người giả tạo" và "độc ác".

Bình luận viên Peter Baker của NY Times nhận xét loạt sự việc trong tuần qua phản ánh các đặc điểm trong nhiệm kỳ tổng thống đầy biến động của Trump, cũng như những rắc rối ông mang theo trong cuộc chạy đua với Biden. Đó là đội ngũ cố vấn liên tục vướng vòng lao lý, sự bất chấp các quy tắc của Nhà Trắng, nền kinh tế từng thịnh vượng bỗng lao dốc vì đại dịch, phe đối lập đồng lòng đứng lên bởi nỗi ác cảm chung, cùng mối bất hòa ngay cả với những người thân nhất.

Tuy nhiên, Baker cho rằng chưa thể xác định mức độ tổn hại đối với Trump từ những sự việc trên. Dù chưa bao giờ được đa số người dân ủng hộ trong hầu hết cuộc thăm dò, Tổng thống Mỹ vẫn tồn tại trước hàng loạt bê bối và chướng ngại vật có thể hủy hoại sự nghiệp một chính trị gia bình thường, nhanh chóng vượt qua từng vấn đề.

"Thông thường, mỗi sự việc trên đều sẽ gây cản trở toàn diện. Tuy nhiên, chúng ta đang sống tại một quốc gia vô cùng phân cực trong giai đoạn đầy thử thách. Hầu hết cử tri chỉ muốn nền kinh tế tăng trưởng tốt như trước và được đảm bảo việc làm", Scott Reed, chiến lược gia đảng Cộng hòa từng làm việc cho chiến dịch tranh cử của Bob Dole hồi năm 1996, cho biết.

Tuần này được cho là sẽ vô cùng quan trọng với Trump trong nỗ lực vượt qua vụ bắt Bannon cùng những rắc rối khác, thuyết phục đủ số cử tri rằng ông là lựa chọn tốt nhất để phục hồi nền kinh tế và việc làm, khi Hội nghị Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) diễn ra.

RNC khai mạc vào ngày 24/8 (giờ Mỹ), kéo dài 4 ngày với chủ đề "Tôn vinh câu chuyện nước Mỹ vĩ đại". Hầu hết sự kiện sẽ được tổ chức trực tuyến như đảng Dân chủ, với điểm nhấn là bài phát biểu trực tiếp của Trump tại Nhà Trắng tối 27/8. Đệ nhất phu nhân Melania và các con của ông cũng sẽ phát biểu từ Vườn Hồng vào tối 25/8.

Theo bình luận viên Baker, vị trí tổng thống đương nhiệm giúp Trump có nhiều công cụ thay đổi hướng chú ý của dư luận hơn so với đối thủ, như việc tổ chức họp báo vào đêm trước ngày khai mạc RNC để công bố cấp phép điều trị Covid-19 bằng huyết tương từ người nhiễm nCoV đã bình phục, quyết định mà ông đánh giá "thực sự mang tính lịch sử". "Đây không phải vấn đề chính trị, mà liên quan đến sự sống và cái chết", Trump nói thêm.

Trump cũng dự kiến phát biểu nhận đề cử tổng thống chính thức của đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng, thay vì một hội trường ngẫu nhiên ở thành phố Wilmington, bang Delaware, như Biden, bất chấp những chỉ trích về việc lợi dụng Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ nhân cơ hội này để đưa ra góc nhìn lạc quan về đất nước sau gần 4 năm cầm quyền, đối lập với quan điểm mà ông cho là "đen tối" tại hội nghị của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ông cũng vẽ ra viễn cảnh u ám riêng, với những kẻ vô chính phủ hoành hành khắp các thành phố Mỹ dưới sự hỗ trợ của phe cánh tả. "Các cuộc bạo loạn đó là một phong trào chống chính phủ của cánh tả. Tất cả đều diễn ra ở những thành phố do đảng Dân chủ điều hành", ông viết trên Twitter hôm 23/8.

RNC còn được cho là sẽ giúp Trump có cơ hội trả lời đầy đủ hơn về những việc ông sẽ làm trong nhiệm kỳ thứ hai trước hàng chục triệu khán giả xem truyền hình. Baker nhận định ông cũng sẽ tiếp tục cố gắng đánh lạc hướng dư luận khỏi cách chính phủ xử lý Covid-19, khiến gần 181.000 người chết và hàng triệu người mất việc làm.

Việc công kích Biden được cho là sẽ chiếm một phần các bài phát biểu, trong khi Trump có khả năng sẽ gợi nhắc người dân rằng ông đã xây dựng một nền kinh tế vĩ đại trước đại dịch và có thể làm như vậy một lần nữa, sau khi Covid-19 được kiềm chế thành công.

Theo Baker, vụ bắt Bannon xảy ra vào thời điểm "khó có thể tồi tệ hơn", giữa lúc Trump đang nỗ lực lấy lại cảm tình của các cử tri. Tuy nhiên, bình luận viên chỉ ra rằng bê bối xảy ra ngay trước thềm hội nghị quốc gia không phải lúc nào cũng gây tổn hại.

Bill Clinton từng sa thải chiến lược gia trưởng Dick Morris sau khi ông này bị lộ ảnh với gái mại dâm, bê bối xảy ra ngay buổi sáng mà cựu tổng thống nhận đề cử của đảng Dân chủ năm 1996. Tuy nhiên, sự việc này cuối cùng không ảnh hưởng tới kết quả bầu cử.

Trường hợp của Trump khác biệt ở chỗ ông từng mắc vào nhiều rắc rối tương tự vụ Bannon. Các thân tín Tổng thống Mỹ lần lượt hầu tòa như Michael Flynn, Roger Stone, Paul Manafort, George Papadopoulos hay Michael Cohen. Nhằm đảo ngược tình thế, Trump cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama và Biden cùng đội ngũ của họ liên quan tới một âm mưu gián điệp nhắm vào ông, dù không có căn cứ.

Đối với một tổng thống đương nhiệm, các hội nghị quốc gia luôn là thử thách, ngay cả khi nhiệm kỳ của họ đang thuận lợi, Baker nhận định. Trong khi đó, tỷ lệ tín nhiệm của Trump hiện chỉ hơn 40%. Kể từ năm 1936, không có tổng thống đương nhiệm nào có tỷ lệ thấp như Trump tại giai đoạn này của chiến dịch tranh cử giành chiến thắng cuối cùng, trừ Harry Truman hồi năm 1948.

Tuy nhiên, Baker cho rằng với tình hình đại dịch cùng những tranh cãi về bỏ phiếu qua thư, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay ẩn chứa nhiều "biến số" không thể lường trước. 4 ngày hội nghị của đảng Cộng hòa được cho là cơ hội quan trọng để Trump "lật ngược thế cờ", như cách ông giành chiến thắng năm 2016.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, khi được hỏi liệu ông có thay đổi giọng điệu của mình hay không, Trump đã gạt bỏ khả năng này. "Nếu tôi không chống trả mạnh mẽ, có lẽ tôi sẽ không ngồi đây để trả lời bạn thế này", Tổng thống Mỹ nói.

Ánh Ngọc
Theo vnexpress.net