Cổ phiếu LTG cán mốc 20.700 đồng/cổ phiếu sau thời gian nằm sâu dưới mệnh giá
Cổ phiếu LTG cán mốc 20.700 đồng/cổ phiếu sau thời gian nằm sâu dưới mệnh giá

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản đều ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, gạo là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu tăng 8,2%, đạt 2,6 tỷ USD.

Theo đánh giá của SSI Research, tại thị trường Châu Âu, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều lô hàng gạo thơm xuất khẩu với giá cao từ 600-1.000 USD/tấn đã được các doanh nghiệp thương thảo thành công đang mở ra cơ hội mới cho ngành gạo Việt Nam.

Để đáp ứng được tiêu chuẩn của Châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần có mô hình chuỗi gạo liên kết với nông dân để đảm bảo chất lượng từ đầu vào cho đến đầu ra. Vinaseed, Lộc Trời, và Trung An là các doanh nghiệp đã khép kín chuỗi giá trị, do đó có khả năng được hưởng lợi từ EVFTA.

Theo Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu gạo là 80 nghìn tấn và sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm và các sản phẩm từ gạo sau 3-5 năm. Tổng lượng xuất khẩu gạo Việt Nam qua EU năm 2019 ở mức 19,85 nghìn tấn, 4 tháng đầu năm 2020 ở mức 2,52 nghìn tấn, cho thấy dung lượng còn lại cho xuất khẩu gạo trong hạn ngạch được hưởng mức thuế 0% qua EU là rất lớn…

Bên cạnh đó, trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhằm gia tăng dự trữ lương thực trong nước. Ngoài ra, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể sẽ có những chuyển biến tích nhờ vào: Nhật Bản đang xem xét chuyển hướng nhập khẩu từ Mỹ sang các nước ký kết hiệp định CPTPP, trong đó có Việt Nam; Singapore- quốc gia nhập khẩu gạo chủ yếu từ Thái Lan đang xem xét đa dạng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác.

LTG bứt phá

Đầu tiên phải kể tới cổ phiếu của Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) từ nằm sâu dưới mệnh giá đã cán mốc 24.700 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 4/11 với tăng khoản tăng vọt. 

Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, LTG đã có sự hồi phục đáng kể trong quý 3/2020 nhờ sự cải thiện biên lợi nhuận gộp và tiết giảm chi phí. Dù doanh thu thuần giảm 9%, đạt hơn 1.772 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu mảng gạo giảm hơn 42% xuống 488 tỷ đồng, chỉ còn đóng góp khoảng hơn 1/3 tổng doanh thu. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp mảng này được cải thiện mạnh từ 3,3% cùng kỳ lên 5,8%, đã góp phần nâng biên lợi nhuận của LTG từ 18% lên 21%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của LTG tăng 120% đạt 92 tỷ đồng.

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho LTG đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường EU trong dài hạn khi thị trường EU chính là một trong những thị trường trọng điểm của doanh nghiệp này, bên cạnh các thị trường khác như Philippines, Châu Phi và Trung Quốc. Năm 2020, doanh thu và lãi ròng của LTG dự kiến đạt lần lượt 6.127 tỷ đồng và 427 tỷ đồng.

NSC đẩy mạnh xuất khẩu

Công ty CP Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, HoSE: NSC) có sự tăng trưởng cao trong quý 3/2020. Theo đó, doanh thu thuần tăng 74% lên 296 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao lên đến 36%. Lợi nhuận sau thuế tăng 74% đạt hơn 31 tỷ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân do ký được một số hợp đồng xuất khẩu gạo và thực hiện các dự án giống.

NSC đã khép kín chuỗi giá trị ngành gạo, từ liên kết với nông dân, xây dựng nhà máy chế biến và có nhiều thương hiệu gạo riêng. Cuối tháng 8/2020, Công ty xuất khẩu gạo trắng Ban Mai và gạo lứt Phúc Thọ sang thị trường Australia, đánh dấu lần đầu tiên sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Australia.

Tại Châu Âu, NSC cũng xuất khẩu 2 thương hiệu gạo (VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT) với mức giá vượt trội 1.040 USD mỗi tấn. SSI Research cho biết gạo thơm RVT đã đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn và được hưởng thuế suất 0%, công ty đang hoàn thiện thủ tục để xin thuế suất 0% cho các giống gạo khác.

NSC là doanh nghiệp về giống cây trồng tại Việt Nam với 20% thị phần. Với việc phát triển gạo thương hiệu chất lượng cao và mở rộng mảng giống sẽ đem lại tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận lớn cho NSC.

Công ty Chứng khoán Agriseco khuyến nghị mua cổ phiếu NSC ở mức giá 66.000-68.000đ/cp với giá mục tiêu cuối năm ở mức 84.000đ/cp, cắt lỗ nếu giá giảm thủng ngưỡng 64.000đ/cp.

TAR bật tăng

CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HoSE: TAR) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2020. Theo đó, doanh thu thuần tăng 15%, biên lãi gộp cải thiện (9,7% so với 9,27%) và tổng các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp được duy trì ổn định (chỉ tăng 3%) là những yếu tố cộng hưởng tạo nên kết quả lợi nhuận ròng tăng từ 13,2 tỷ đồng lên mức 20,2 tỷ đồng của TAR.

Lũy kế 9 tháng đầu 2020, TAR ghi nhận gần 2.100 tỷ đồng doanh thu thuần và 78,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng lần lượt 65% và 238% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kết quả doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của TAR, dù năm 2020 vẫn còn 3 tháng cuối năm.

Cổ phiếu TAR đã cán mốc 20.700 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 4/11. Cổ phiếu TAR cũng tăng gần 30% trong gần 1 năm qua. 

 

HÀ PHƯƠNG
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp