Gia đình luôn là niềm tự hào đối với Long Nhật. Anh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh giá ở Huế, gồm 6 anh em.

Người anh lớn của Long Nhật vừa là thầy giáo vừa là một họa sĩ có tiếng ở thành phố Huế – Đinh Khắc Thịnh. Anh là người tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang tên Con đường nón lá, Con đường chuông... tại lễ hội Festival ở Huế từ nhiều năm qua.

Bên dưới Long Nhật là 4 cô em gái giỏi giang. Đinh Khắc Quỳnh Trâm (1972) từng đoạt giải đơn ca cuộc thi Tiếng hát toàn thành phố Huế, giải Nhất đơn ca dòng nhạc nhẹ Tiếng hát truyền hình khu vực miền Trung. Thế nhưng, nói như Long Nhật thì em gái không có nghiệp làm ca sĩ.

Cô em Đinh Khắc Quỳnh Như là con người chú ruột đã mất từ khi cô bé mới vài tháng tuổi, được bà nội của nam ca sĩ nuôi nấng khi mẹ đi bước nữa. Quỳnh Như là thạc sĩ văn chương ở Mỹ, từng đoạt giải Hoa hậu Áo dài miền Bắc Cali (Mỹ).

Đinh Khắc Quỳnh Anh (1975) sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang tại Huế. Các anh chị đều thành đạt là thế nhưng cô út Đinh Khắc Quỳnh Giang (1979) mới là người giàu có nhất. Không chỉ sở hữu chuỗi bệnh viện tư ở Huế mà Quỳnh Giang còn là thạc sĩ báo chí, từng làm trưởng khoa báo chí trường Phát thanh truyền hình Trung ương khu vực TPHCM.

Từ ngày lấy chồng, cô em út Quỳnh Giang chuyển về Huế dạy học tại trường Đại học Tổng hợp. Không những vậy, mới đây, Quỳnh Giang còn ra mắt cuốn sách "Những người đàn bà phi thường" viết về chính bà nội, mẹ, thím và những người phụ nữ phi thường xung quanh mình.

Nhân dịp này, nam ca sĩ đã dành cho phóng viên những chia sẻ hết sức thú vị về gia đình và cả cô em út đặc biệt này.

Long Nhật và cô em út Đinh Khắc Quỳnh Giang.  

Út hay nói "Đinh gia nhà mình mà không có Long Nhật chắc buồn chết"

Nam ca sĩ gốc Huế tâm sự: "Quỳnh Giang bộc lộ năng khiếu thơ văn từ nhỏ, học giỏi đều các môn. Khi Út học đại học thì vào Sài Gòn với anh Long Nhật. Học xong, Út được ở lại Sài Gòn làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam khu vực phía Nam, trưởng khoa Báo chí.

Sau này, Út gặp bác sĩ Nguyễn Hữu Minh là con trai một của một gia đình gia thế ở Huế. Lấy chồng, Út được gia đình chồng thương lắm. Út may mắn có một bà mẹ chồng rất nhân hậu, thường xuyên làm thiện nguyện.

Út chuyển về Huế, dạy trong trường Đại học Tổng hợp. Lương giáo viên không bao nhiêu nhưng chồng út là bác sĩ, có chuỗi bệnh viện tư ở Huế nên giờ Út giàu nhất trong 6 anh em.

Út Giang là người sâu sắc, không hề bi lụy. Út luôn suy nghĩ, nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực, dù gian khổ. Trong suy nghĩ của Út luôn mở ra một chân trời mới, không bao giờ bế tắc.

Trái với Út, tôi là người bi lụy, hay buồn. Chuyện của chú Dũng mất, tới giờ tôi vẫn không cam tâm, sau này là mẹ, là anh Vương Bảo Tuấn. Út an ủi tôi, mắc gì anh không để cái mất mát đó trong tim hoài. Mấy ai có được một người bạn thân mà thờ trong nhà, mấy ai mà có được một tình bạn lớn như thế.

Út chịu thương chịu khó, chăm chồng chăm con rất giỏi, không quần là áo lượt như tôi. Lẽ ra những đứa đơn giản như thế sẽ khó tính nhưng Út yêu anh Nhật tới mức yêu luôn cả cách hát, cách sống, cách sửa soạn của anh.

Út hay ngắm nhìn tôi "em ngưỡng mộ anh Nhật quá, anh có thể điệu suốt ngày như thế mà không mệt". Nói thế để thấy, gia đình tôi là một nhà thương nhau. Út hay nói vui lắm "Đinh gia nhà mình mà không có Long Nhật chắc buồn chết", hoặc "sau này anh Nhật mà chết, chắc tôi khóc mù con mắt". Út cực kỳ thương tôi".

Đinh Khắc Quỳnh Giang trong ngày ra mắt sách "Những người đàn bà phi thường" ở Sài Gòn hồi đầu tháng 10 vừa qua.

"Tôi mà không gánh vác gia đình thì giờ đã ở nhà mặt tiền quận 1 rồi"

Long Nhật kể tiếp: "Tính Út hơi con trai, thẳng thắn, bộc lộ yêu thương và hay khóc. Út nhìn ba, nhìn tôi là khóc. Tôi hỏi tại sao, Út bảo, thương thì khóc. Không riêng gì Út, cả 4 đứa em gái của tôi đều tuyệt vời. Chúng nó hiểu và rất thương anh Nhật.

Út cũng tuổi Mùi như tôi nhưng căn cơ, kỹ lưỡng chứ không nghệ sĩ như tôi. Út tính toán giỏi, để dành giỏi. Kể cả bây giờ, Út thành đạt, khá giả nhưng chưa bao giờ xài phung phí. Tôi bảo, Út chi xài khổ quá. Út nói "ờ, tôi quên là mình có tiền". 

Út quen tiết kiệm từ nhỏ, nhất là từ khi Út vô Sài Gòn học, thấy anh Nhật đi làm lo cho cả nhà, Út dặn lòng phải tiết kiệm để đỡ đần anh, không xài phung phí, đua đòi, xe xua với bạn bè.

Út để dành tiền phòng khi mưa nắng, đau ốm và có tiền gửi về cho ba mẹ. Con gái Huế ai cũng thế, nghèo thế nào thì nghèo, luôn có một khoản tiền gửi về cho cha mẹ. Đó là luật bất thành văn, không ai bảo ai nhưng đều xem đó là trách nhiệm của mình.

Sau này tôi rất khỏe, 4 đứa em gái khá giả hết. Ngày xưa đi chùa, tôi xin 1 mà Trời Phật cho tới 10. Tôi chỉ xin Trời Phật cho mấy đứa em gái không lấy phải người chồng hà tiện, ác độc, đánh vợ đánh con. Bây giờ, mấy người em rể, ai cũng nhân hậu, con nhà khá giả, học hành đàng hoàng, thương vợ thương con, hiếu thảo với cả nhà vợ.

Khi má mất, Út sửa toàn bộ căn nhà của cha mẹ. Út đập nhà cũ của ba mẹ, xây homestay 3 tầng lầu theo kiểu kiến trúc cổ trị giá hơn 21 tỉ đồng và nói, toàn bộ thu nhập từ homestay này cho anh Long Nhật hết. Út bảo, "anh cứ rong chơi ca hát cho sướng đi, làm bao nhiêu xài hết đi, cả cuộc đời anh khổ quá rồi. Yên tâm, anh Nhật có tụi em là không khổ".

Theo lời nam ca sĩ gốc Huế, cô em út giờ là người giàu nhất trong 6 anh em. Cô rất có hiếu với cha mẹ và rất thương các anh chị, thậm chí còn lo luôn cho cả hai anh trai.

Thật tình là, tôi nghèo vì lo cho gia đình. Nếu tôi không gánh vác cả gia đình thì giờ đã ở nhà mặt tiền quận 1 lâu rồi. Út rất có hiếu với ba mẹ. Không riêng gì Út mà cả 4 đứa em gái đều thương ba mẹ. Út lo cho cả hai anh trai luôn.

4 đứa em gái lúc nào cũng nói, phải chuẩn bị cho anh Nhật lúc ông ấy không đi hát. Bởi tôi là người xài tiền bạt mạng. Tôi không biết ăn chơi. Thuốc lá không hút, rượu bia không uống nhưng đối với gia đình, tôi không tiếc, sẵn sàng xài tới đồng bạc cuối cùng nên tụi em nói, phải lo cho ông ấy. 

Theo Báo dân sinh