Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: Getty)

Trong một động thái khiến các nhà lập pháp Trung Quốc lo ngại, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc trao đổi đầu tiên của ông với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi để tái khẳng định cam kết của Washington đối với quan hệ đối tác Mỹ - Nhật.

Ông chủ Lầu Năm Góc hối thúc Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản "tăng cường sự đóng góp của Nhật Bản vào vai trò mà liên minh (Mỹ - Nhật) vẫn đang thực hiện nhằm đảm bảo an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Chính quyền tân Tổng thống Joe Biden đang tìm cách thiết lập lại các liên minh của Mỹ, sau khi các mối quan hệ này bị rạn nứt dưới thời Tổng thống Donald Trump do chính sách "Nước Mỹ là trên hết".

Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia về Đông Á ở Tokyo, cho rằng Nhật Bản đóng vai trò "chủ đạo" trong liên minh của Mỹ, dù chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Joe Biden vẫn chưa được xác định.

"Tổng thống Biden, và cả ứng viên Ngoại trưởng do ông đề cử, Anthony Blinken, đều nói rõ rằng việc củng cố các liên minh của Washington trong khu vực sẽ là ưu tiên hàng đầu của Mỹ", ông Benoit cho biết.

"Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ rất vui khi được đáp lại (đề xuất từ Mỹ), vì ông từng cam kết sẽ duy trì các định hướng chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Shinzo Abe. Dưới sự lãnh đạo của ông Abe, Nhật Bản đã củng cố vai trò của mình trong liên minh với Mỹ và trở thành một bên tham gia nhiều hơn vào an ninh khu vực", chuyên gia Benoit nhận định.

 

Ý tưởng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do được Nhật Bản đưa ra lần đầu tiên vào năm 2016, trước khi được Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức hóa vào năm 2019. Trung Quốc coi chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ là một động thái để tập hợp lực lượng trong khu vực, gồm Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, để chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Hợp tác với các nước

Nhật Bản, quốc gia vốn coi Trung Quốc là "đối thủ" lớn, vẫn luôn cẩn trọng và từng bước hối thúc các nước có cùng lập trường tập hợp lại để đối phó với tầm ảnh hưởng và tham vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Tháng 9/2020, Nhật Bản và Ấn Độ ký thỏa thuận cho phép sử dụng căn cứ quân sự của nhau để hỗ trợ hậu cần. Vài tuần sau đó, ông Suga đã "tranh thủ" chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng để đưa ra cam kết an ninh và kinh tế mạnh mẽ hơn với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Indonesia.

Vào tháng 11, Nhật Bản ký thỏa thuận với Australia, cho phép lực lượng vũ trang hai nước tiến hành các cuộc tập trận chung, viếng thăm lẫn nhau và thực hiện các chiến dịch quân sự chung.

Cuối tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản có thể khiến Bắc Kinh lo ngại khi đề xuất với người đồng cấp Đức Annegret Kramp-Karrenbauer về việc đưa tàu chiến tới Đông Á. Tàu chiến Đức có thể tới Biển Đông - nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Tuần trước, Nhật Bản cùng Mỹ và các đồng minh của Washington, gồm Australia, Anh, Đức, Pháp đã gửi công hàm ngoại giao lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời lên án việc Trung Quốc hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này.

Công hàm được xem là động thái cứng rắn hiếm thấy của Nhật Bản. Mặc dù trước đây Nhật Bản từng kêu gọi Trung Quốc công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông, nhưng hiếm khi Nhật Bản công khai chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở vùng biển này.

"Tokyo coi việc tự do đi lại và ổn định hàng hải đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của nước này. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng so sánh cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Biển Đông và Hoa Đông - nơi Nhật Bản và Trung Quốc vướng vào tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư", chuyên gia Benoit nhận định.

Thế khó của Nhật Bản

Trực thăng MH-60R Sea Hawk của Mỹ bay gần tàu khu trục JS Sazanami của Nhật Bản trong cuộc tập trận tại biển Hoa Đông năm 2017. (Ảnh: US Navy)

Theo chuyên gia Benoit, lợi ích của Nhật Bản ở biển Hoa Đông khiến nước này không muốn gây sức ép quá mạnh với Trung Quốc trong vấn đề này.

"Nhật Bản sẽ duy trì sự hiện diện ở Biển Đông, nhưng có lẽ vẫn cẩn trọng để tránh phản ứng cứng rắn từ Trung Quốc, vì điều đó có thể ảnh hưởng tới tranh chấp lãnh thổ của họ ở biển Hoa Đông", ông Benoit cho biết.

Yoichiro Sato, giáo sư chuyên về an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản), nhận định Nhật Bản có thể lo ngại rằng sự tham gia của nước này ở Biển Đông sẽ vấp phải sự trả đũa từ Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Chen Xiangmiao, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Nam Hải (Trung Quốc), cho rằng Nhật Bản là một phần quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy mạng lưới liên minh đối phó Trung Quốc.

"Điều đó bao gồm sự hợp tác lớn hơn trên nhiều mặt trận, từ quân sự, ngoại giao, pháp lý, chính trị, cũng như dư luận, để phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong chính sách Biển Đông của nước này", ông Chen cho biết.

Theo Lam Peng Er, nhà nghiên cứu tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Nhật Bản cũng lo ngại rằng Trung Quốc một ngày nào đó sẽ tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông.

"Trung Quốc đã từng làm như vậy ở biển Hoa Đông, nhưng nếu Trung Quốc thiết lập ở Biển Đông, Nhật Bản sẽ rất lo ngại", ông Lam nhận định.

Nhật Bản vẫn đẩy mạnh quan hệ với các nước có tranh chấp ở Biển Đông. Philippines đã nhận được các tàu hải cảnh và hệ thống radar từ Nhật Bản. Các tàu Nhật Bản cũng tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông với Mỹ và Philippines.

Chuyên gia Lam cho biết, mặc dù Nhật Bản thắt chặt quan hệ với các bên tranh chấp trên Biển Đông, nhưng nước này cũng bị hạn chế trong việc tiến hành các hoạt động quân sự theo quy định của hiến pháp.

Theo ông Lam, có sự khác biệt rõ rệt giữa Nhật Bản và Mỹ trong cách tiếp cận với khu vực.

"Lập trường của Nhật Bản về Ấn Độ - Thái Bình Dương tập trung vào hợp tác kinh tế và ngoại giao đa phương theo trật tự dựa trên luật lệ, còn chiến lược của Mỹ nhấn mạnh sự cân bằng quyền lực nhằm chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy", chuyên gia Lam cho biết.

 

Thành Đạt (Nguồn SCMP, Reuters)
Theo Dân trí