Rất nhiều điện thoại có doanh số bán hàng đáng nể, nhưng khi smartphone chưa phổ biến thì những mẫu điện thoại cơ bản của Nokia luôn vô địch về doanh số. Nokia 1100 ra mắt từ năm 2003 là một trong số đó. Trong 5 năm (từ 2003- 2008), chiếc điện thoại “cục gạch” có doanh số 250 triệu chiếc, trở thành một trong những thiết bị điện tử bán chạy nhất thế giới. Chiếc điện thoại thứ một tỷ mà Nokia bán được cũng chính là Nokia 110 - máy được xuất cho thị trường Nigeria vào năm 2005.

Không quá bóng bẩy, cũng không nhiều chức năng, nhưng thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng và khả năng chống va đập, tích hợp đèn pin, cùng trò chơi rắn săn mồi là những yếu tố khiến người tiêu dùng một thời “mê mệt” Nokia 1100. Sau 13 năm, từ mức giá 2,3 triệu đồng ở thời điểm ra mắt, hiện tại Nokia 1100 hàng “zin” vẫn được nhiều cửa hàng di động rao bán với mức giá từ 200.000 đồng. Chúng vẫn được những người mê sưu tầm điện thoại cổ hoặc cần một chiếc điện thoại pin lâu, lưu trữ danh bạ hoặc nghe gọi thông thường tìm mua.

Thành công với doanh số kỷ lục nhưng Nokia 1100 đã kết thúc vòng đời sản phẩm vào năm 2009. Tuy nhiên theo PhoneArena, vẫn có những người sẵn sàng chi tới 32.000 USD (hơn 700 triệu đồng) để sở hữu chiếc điện thoại "cổ lỗ sĩ" này.

Mẫu điện thoại đơn sắc của Nokia 1110 mặc dù ra mắt muộn hơn vào năm 2005, nhưng số lượng bán ra trên toàn cầu cũng đã chạm mốc 250 triệu máy.

Chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá” của Nokia được đánh giá cao về độ bền, thời gian pin lâu và bàn phím mềm dễ thao tác. Tại Việt Nam, Nokia 1110 phổ biến và cả phiên bản nâng cấp 1110i sau đó cũng được đón nhận. Hiện tại, chúng vẫn được học sinh, sinh viên hoặc người cao tuổi tìm mua vì dễ sử dụng, đáp ứng nhu cầu liên lạc thông thường và có giá thành cực rẻ, chỉ từ 100.000 đồng cho hàng qua sử dụng và 200.000 đồng cho máy mới.

Tính năng nổi trội nhất của Nokia 1200 là tuổi thọ pin - thời gian thoại 7 giờ và chế độ chờ lên tới cả tuần lễ, khiến cho 1200 là một trong những sản phẩm phổ biến nhất của Nokia, với hơn 150 triệu máy bán ra kể từ 2007.

Ở Việt Nam, nhiều người dùng, đặc biệt là thế hệ đầu 9x và 8x thì Nokia 1200 chính là một trong những điện thoại đầu tiên họ được sở hữu.

Nokia 3210 là thiết bị “già” nhất trong danh sách điện thoại bán chạy khi ra đời từ năm 1999, thời điểm mà điện thoại chỉ dùng để gọi điện và nhắn tin. Điểm hấp dẫn nhất của thiết bị chính là game Snake, trò chơi góp phần làm nên tên tuổi của điện thoại di động Nokia khiến hàng tỉ người dùng “cắm mặt” vào điện thoại để giải trí.

Nokia 3310 là bản kế nhiệm của 3210 được xem là một trong những biểu tượng của Nokia, góp phần đưa công ty trở thành nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới. Khả năng thay vỏ chính là điểm thu hút người dùng trẻ của Nokia 3310. Hàng nghìn bộ vỏ với thiết kế độc đáo, sặc sỡ cho phép người dùng "thay áo" thường xuyên cho điện thoại. Máy được thiết kế với lớp vỏ ngoài cứng hạn chế rơi vỡ cao vì vậy được gọi là cục gạch.

Hãng đã bán được 126 triệu chiếc Nokia 3310 trên toàn thế giới, gấp 20 lần so với iPhone thế hệ đầu tiên.

Tại thời điểm ra mắt, Nokia 3310 có giá 160 USD (khoảng 3,7 triệu đồng). Đặc biệt là cả hai mẫu điện thoại "cục gạch" của Nokia vẫn đang được chào bán tại Việt Nam với mức giá từ 1,5 - 2 triệu đồng, ngang một chiếc smartphone có nhiều công nghệ mới và camera chụp hình.

Hoàng Linh
Theo Nhịp sống Việt