Khái niệm siêu ứng dụng đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam

Với sự phổ biến của smartphone, những ứng dụng di động đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người, không chỉ giúp đáp ứng những nhu cầu về công việc, mà còn cả nhu cầu về giải trí, mua sắm, liên lạc…

Nhưng tại sao bạn phải cài đặt hàng chục ứng dụng khác nhau, khi chỉ cần một ứng dụng duy nhất trên smartphone là đã có thể đáp ứng mọi thứ bạn cần?

Các siêu ứng dụng đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện nay (Ảnh: Getty).

Giả sử vào ngày mai, bạn muốn đặt bữa sáng rồi đi xem phim với vài người trong nhóm bạn thân. Bạn có thể dùng ứng dụng đặt đồ ăn, ứng dụng đặt xe để đi lại, mua vé xem phim... Nhưng thay vì phải cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau trên smartphone để thực hiện những điều này, bạn hoàn toàn có thể thực hiện tất cả những điều này thông qua một ứng dụng duy nhất trên smartphone, đó chính là một siêu ứng dụng.

Nói một cách đơn giản, siêu ứng dụng là ứng dụng di động cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau, thông qua một giao diện di động duy nhất. Chẳng hạn người dùng có thể mua sắm trực tuyến, đặt đồ ăn, mua vé xem phim, thanh toán tiền... thông qua một ứng dụng duy nhất. Người dùng chỉ cần cài đặt siêu ứng dụng trên smartphone,

Các siêu ứng dụng rất tiện lợi và tiết kiệm được cho người dùng dung lượng lưu trữ, vốn sử dụng cho những ứng dụng riêng lẻ. 

Cuộc đua "đốt tiền" để phát triển siêu ứng dụng

Kể từ thời điểm giữa năm 2018, khi Grab lần đầu tiên mang khái niệm "siêu ứng dụng" đến thị trường Việt Nam, cuộc đua phát triển siêu ứng dụng tại Việt Nam đã trở nên "nóng" và chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này cũng dễ hiểu, khi mà theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Statista, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới, khi tính đến tháng 5/2021, Việt Nam có khoảng 61,37 triệu người dùng smartphone, tương đương 64% dân số.

Grab là một trong những siêu ứng dụng đầu tiên xuất hiện tại thị trường Việt Nam, mở đường cho "cuộc đua siêu ứng dụng" (Ảnh: Edgar Su).

Sau Grab, nhiều tên tuổi khác tại Việt Nam cũng đi theo hướng đi đa dạng hóa dịch vụ, có thể kể đến những cái tên như Zalo, Shopee, Momo hay VinID… Ngày càng nhiều các siêu ứng dụng được xuất hiện tại Việt Nam, khiến cho sự cạnh tranh càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Ngoài "cuộc đua" để cạnh tranh về các tính năng, thì một cuộc đua "đốt tiền" để quảng bá thương hiệu, khuyến mãi để thu hút người dùng… cũng đang trở nên gay cấn giữa các nhà phát triển siêu ứng dụng. Điều này đòi hỏi các nhà phát triển cần phải có một nguồn lực mạnh về tài chính để vượt lên trên các đối thủ.

Tiền không phải là tất cả

Thực tế đã chứng minh rằng, "cuộc đua đốt tiền" đã thực sự phát huy được hiệu quả, khi những siêu ứng dụng có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cùng các chế độ chăm sóc người dùng hấp dẫn đã nhanh chóng thu hút được một lượng người dùng lớn.

Tuy nhiên, "cuộc đua đốt tiền" không thể kéo dài mãi mãi. Các siêu ứng dụng vẫn cần những nét riêng, những ưu điểm và tính năng hữu ích để tạo dấu ấn cho người dùng, giúp các siêu ứng dụng có thể vượt trội hơn so với các đối thủ.

Một trong những tiêu chí mà các siêu ứng dụng đang nhắm đến đó là tính cộng đồng và những tính năng hữu ích giúp đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng. Các siêu ứng dụng ngày nay đang ngày càng tích hợp thêm nhiều tính năng và các ứng dụng nhỏ vào bên trong mình, chẳng hạn Grab từ một ứng dụng đặt xe đã trở thành một siêu ứng dụng với nhiều tính năng như ví điện tử, giao hàng, mua đồ ăn, thương mại điện tử… từ đó đáp ứng được nhu cầu từ một lượng lớn người dùng thông qua một ứng dụng duy nhất trên smartphone.

Các siêu ứng dụng ngày càng được đầu tư về các tính năng, dịch vụ để đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu của người dùng (Ảnh: Shutterstock)

Các nhà phát triển siêu ứng dụng cũng đang tiếp tục xây dựng và tích hợp thêm nhiều tính năng, dịch vụ cho sản phẩm của mình nhằm hướng đến cộng đồng, đáp ứng các nhu cầu thực tiễn, thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận.

Ngoài ra, các nhà phát triển cũng thường xuyên trích ra doanh thu từ siêu ứng dụng để xây dựng các quỹ hỗ trợ cộng đồng, thực hiện các chương trình thiện nguyện… như một cách để quảng bá thương hiệu và quan trọng hơn để tri ân đến người dùng.

Trong tương lai, cuộc chạy đua siêu ứng dụng chắc chắn sẽ còn gay cấn hơn, với sự xuất hiện của nhiều cái tên mới, những điều này sẽ giúp cho các siêu ứng dụng trở nên đa dạng hơn trong nhiều lĩnh vực, giúp đáp ứng nhiều hơn cho nhu cầu của người dùng. Hơn ai hết, chính người dùng sẽ được hưởng lợi từ cuộc chạy đua công nghệ này.

Trước thực tế siêu ứng dụng đang ngày càng trở nên phổ biến và hữu ích tại Việt Nam, Giải thưởng Tech Choice Awards 2021 đã đưa thêm hạng mục đề cử "Siêu ứng dụng được yêu thích nhất trong cuộc sống" để độc giả có thể lựa chọn những siêu ứng dụng mà mình yêu thích và cảm thấy hữu ích nhất trong cuộc sống.

Tech Choice Awards 2021 là cuộc thi bình chọn sản phẩm và ứng dụng công nghệ, được báo điện tử Dân trí tổ chức dành cho các sản phẩm công nghệ giới thiệu và bán chính hãng tại Việt Nam trong năm 2021, có ảnh hưởng lớn tới người dùng và mang tính dẫn dắt thị trường công nghệ trong năm 2022. Cuộc thi là nơi tôn vinh những nỗ lực sáng tạo, cống hiến của các nhà sản xuất và là kênh thông tin tham khảo cho người dùng, độc giả có nhiều lựa chọn hơn trong trải nghiệm mua sắm.

Ban tổ chức Tech Choice Awards 2021 xin cảm ơn các nhãn hàng Grab, Huawei, Shopee, Samsung, Apple, Viettel Pay... đã tham gia và đồng hành để đưa đến cho người sử dụng và độc giả có thêm nhiều hiểu biết, lựa chọn về các sản phẩm, giải pháp công nghệ. Ban tổ chức và người tiêu dùng, độc giả rất mong chờ và sẵn sàng đón nhận nhiều sản phẩm mới đến từ các nhãn hàng trong tương lai.

 

 

T.Thủy
Theo Dân trí