Theo đó, những đối tượng lừa đảo sẽ gửi hàng loạt thư điện tử (email) rác tới các hòm thư điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam với nội dung đe dọa là đã chiếm quyền điều khiển máy tính của nạn nhân, từ đó đòi tiền chuộc bằng tiền điện tử (Bitcoin). 

Nếu không thực hiện, chúng sẽ phát tán toàn bộ thông tin trong máy lên Internet. Do lo sợ ảnh hưởng đến công việc, danh dự, uy tín, sợ lộ bí mật riêng tư, nhiều nạn nhân đã chuyển tiền đến các địa chỉ ví trên.

Giao diện trang web chuyển tiền Bitcoin.

Mới đây, nhóm lừa đảo đã yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền bằng Bitcoin tương đương 25 triệu đồng đến một địa chỉ ví tiền điện tử. 

Sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã nhanh chóng xác minh. Kết quả bước đầu xác định cho thấy lịch sử và nội dung chi tiết của các email trên có nguồn gốc được gửi từ các máy chủ có địa chỉ IP tại nước ngoài.

Do địa chỉ IP không được xác thực nên thông thường email sẽ được nhận trong mục "Spam - Thư rác". Kiểm tra thông tin địa chỉ ví điện tử mà đối tượng dùng để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào, các địa chỉ ví Bitcoin của đối tượng đều bị cảnh báo và có nhiều nạn nhân cảnh báo hành vi lừa đảo.

"Tiến hành kiểm tra lịch sử giao dịch ví điện tử trên của đối tượng, xác định có giao dịch nhận tiền với số tiền tương ứng mà đối tượng yêu cầu nên có khả năng nhiều nạn nhân đã chấp nhận trả tiền cho đối tượng", thông tin từ cổng thông tin điện tử Công an TP Hà Nội cho biết.

Trên thực tế, các địa chỉ email của doanh nghiệp, tổ chức được công khai hoặc chia sẻ từ nhiều nguồn trên mạng Internet. Vì thế, các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng thu thập địa chỉ email trên mạng rồi gửi email hàng loạt cho những địa chỉ đó để phục vụ hành vi lừa đảo.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận định việc gửi email hàng loạt trên đã gây ảnh hưởng tâm lý và trực tiếp gây thiệt hại cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam, đồng thời vi phạm Bộ Luật Hình sự 2015, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Nội dung email đối tượng gửi cho một nạn nhân.

Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo các cá nhân, cơ quan, tổ chức không sử dụng các phần mềm crack, không rõ nguồn gốc vì có thể bị cài cắm các phần mềm chiếm quyền điều khiển máy tính; không cắm các USB, thiết bị lạ vào máy tính mà chưa được kiểm tra an toàn; sử dụng các phần mềm diệt virus uy tín.

"Các dữ liệu nhạy cảm nên sử dụng các phần mềm mã hóa dữ liệu và đặt mật khẩu có độ phức tạp. Nên lưu trữ ở nơi an toàn để tránh bị mất; nếu lưu trữ trên dịch vụ đám mây mà nhà cung cấp dịch vụ bị tấn công thì bản thân mình sẽ trở thành nạn nhân. Trong trường hợp bị đối tượng dùng cách này để tống tiền, đề nghị cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên hệ, phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ, tuyệt đối không nên tự ý chuyển tiền cho đối tượng theo yêu cầu của chúng", công an TP Hà Nội cho biết.

 

Thế Anh (Nguồn Công an Hà Nội)
Theo công an Hà Nội