Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: VGP

Nội dung được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin tại Hội thảo "Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện". Sự kiện diễn ra ngày 15/9, tại TP.HCM do Bộ KH&ĐT phối hợp với Tổ chức công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện.

Điểm đến của nhiều tập đoàn lớn

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Ngọc cho biết, phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái là nội dung hết sức quan trọng trong bối cảnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2020 tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng thời trong tháng 7 vừa qua, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 35 quy định về quản lý KCN, KKT và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882 về kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, các KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo động lực đổi mới công nghệ sản xuất.

"Đến nay, cả nước đã có 406 KCN, 18 KKT ven biển và 26 KKT cửa khẩu tại 61/63 tỉnh, thành phố, thu hút trên 21 nghìn dự án đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD, là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn…", Thứ trưởng Ngọc nói và cho biết nhiều doanh nghiệp trong nước khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng KCN trở thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dan vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như Viglacera, Trường Hải, Becamex, Sonadezi, Kinh Bắc, Phú Mỹ...

Trong 2 năm vừa qua, mặc dù kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP năm 2020 vẫn đạt 16,69%, năm 2021 tăng lên 25,13%, là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế đó khu công nghiệp, khu kinh tế đóng vai trò nòng cốt.

Theo bà Ngọc, tại Việt Nam, việc phát triển các KCN, KKT đang có nhiều thay đổi với thuận lợi và khó khăn đan xen.

Về thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hoàn thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông kết nối được nâng cấp và đầu tư mới; vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên; thị trường xuất khẩu được rộng mở thông qua các hiệp định tự do thương mại đa phương, song phương và nguồn lao động có khả năng thích ứng tốt với những thay đổi khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, việc phát triển KCN, KKT theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT của Việt còn hạn chế.

Vì vậy, Thứ trưởng Ngọc cho rằng, việc phát triển KCN, KKT cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, khuyến khích phát triển KCN, KKT sinh thái.

Nhân rộng mô hình KCN sinh thái

Thứ trưởng Ngọc cho biết, mô hình KCN sinh thái đã được triển khai trên thế giới từ những năm 1990 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại Đan Mạch, KCN sinh thái Kalundborg với 20 mạng lưới cộng sinh công nghiệp nội khu giúp tiết kiệm 19.000 tấn dầu, 30.000 tấn than, 600.000 m3 nước và 130.000 tấn CO2.

Tại khu vực châu Á, chương trình KCN sinh thái của Hàn Quốc đã thực hiện chuyển đổi 51 KCN thông thường sang hoạt động theo mô hình KCN sinh thái tạo ra lợi ích kinh tế quy đổi khoảng 1,3 tỷ USD và hoàn thành thực hiện chuyển đổi 151 khu công nghiệp sinh thái vào năm 2020.

Tại Việt Nam, từ 2015-2019, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với UNIDO, SECO và các nhà tài trợ khác triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Cụ thể, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 kilo tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Giai đoạn 2020-2023, Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ 3 KCN tại TP.HCM, Hải Phòng và Đồng Nai phát triển chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế, là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.

Mô hình KCN sinh thái đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 35 của Chính phủ, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại pháp luật về bảo vệ môi trường, được lồng ghép vào chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp phần hiện thực hoá cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, thực hiện đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm nhân rộng mô hình KCN sinh thái. Bộ KH&ĐT đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyễn đổi KCN.

Theo Thứ trưởng Ngọc, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế.

Do đó, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật từ các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, việc bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng... là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái.

"Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong các KCN, KKT là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững", Thứ trưởng Ngọc nhận định.

Vũ Phạm
Theo Nhà đầu tư