Chiến lược gọi vốn đầu tư

Khác với các hình thức gọi vốn để ổn định sản xuất kinh doanh, Hệ thống Y tế Thu Cúc (gọi tắt là TCI gồm Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc và Phòng khám Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, không bao gồm lĩnh vực thẩm mỹ) tiến hành gọi vốn trong giai đoạn đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Với thời gian phát triển gần 10 năm, có thành tựu, có chiến lược phát triển rõ ràng và lợi nhuận ổn định, Thu Cúc gọi vốn cho mục đích tăng tốc "nhân bản" mô hình y tế chất lượng cao đến nhiều nơi nhanh chóng hơn.

Từ năm 2015, Thu Cúc đã bắt tay vào giai đoạn mở rộng. Đến năm 2018 bắt đầu tiến hành gọi vốn. Khi đó có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng Thu Cúc đã chọn Quỹ đầu tư tài chính Vinacapital vì đây là nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực y tế khám chữa bệnh, sẽ thuận lợi hơn khi quyết định chiến lược liên quan đến ngành nghề đặc thù như y tế. Vinacapital đã tiến hành đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, hệ thống quản trị, tính minh bạch của Thu Cúc trong vòng 2 năm trước khi quyết định rót vốn đầu tư vào năm 2020.

Trên thực tế, hành trình mở rộng của Thu Cúc không chờ đến khi tiếp nhận vốn đầu tư mới thực hiện. Với tiềm lực tài chính sẵn có, từ đầu năm 2019, Thu Cúc đã tiến hành mở rộng gấp ba Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc 286 Thụy Khuê và khai trương cơ sở mới 216 Trần Duy Hưng. Các dự án mở rộng đều đang đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu, trở thành "cú hích" cho thị trường y tế tư nhân, minh chứng cho tiềm năng phát triển của Hệ thống y tế Thu Cúc. Việc bắt tay với Quỹ đầu tư Vinacapital được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh hơn quá trình phát triển của TCI, từ đó tạo ra lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Vị thế trước khi nhận vốn "khủng"

Nếu Hệ thống Y tế Thu Cúc (TCI) chọn Quỹ đầu tư tài chính Vinacapital vì bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực khám chữa bệnh, thì Vinacapital chọn Thu Cúc vì tiềm năng đặc biệt của đơn vị này. 

Hiện Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc đang đứng top 3 khối bệnh viện tư và top 5 toàn bộ bệnh viện Hà Nội. Sau gần 10 năm hoạt động, đây là một trong số bệnh viện tư có lượng bệnh nhân đông nhất hiện nay.

Ông Andy Ho, giám đốc đầu tư Vinacapital nhận định: "TCI được nhiều người đánh giá là một trong những bệnh viện tư hàng đầu tại Hà Nội, và họ đạt vị thế đó trong một thời gian tương đối ngắn".

TCI hiện nay có lượng người bệnh đông bậc nhất Hà Nội

Y tế tư nhân: Tiềm năng lớn, mục tiêu không xa vời

"Tiềm năng phát triển y tế tư nhân ở Việt Nam còn rất lớn. Một đất nước có gần 100 triệu dân với thu nhập và dân trí của người dân đang cao lên, nhu cầu được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao, được phục vụ tốt ngày một tăng. Và đó chắc chắn là xu hướng tất yếu khi xã hội phát triển. Tuy nhiên, hệ thống y tế hiện tại vẫn chưa kịp đáp ứng toàn diện các nhu cầu của người dân trong thời kỳ mới. Theo thống kê, mỗi năm vẫn có 2 tỷ đô la chảy ra nước ngoài trong lĩnh vực y tế. Trong khi nguồn lực ngành y trong nước còn rất nhiều. Nhiều giáo sư bác sĩ rất giỏi, thậm chí đến tuổi nghỉ hưu nhưng sức cống hiến chưa bao giờ suy giảm, hay rất nhiều bác sĩ trẻ tài năng trong nước cũng như người đi học từ nước ngoài về. Có thể nói, về con người chúng ta không thua kém thế giới, chỉ còn thiếu sự đầu tư để những tài năng đó có đất phát huy." - Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống Y tế Thu Cúc cho biết.

Dịch vụ y tế chất lượng cao còn nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam

Sự hợp tác với Quỹ đầu tư Vinacapital hứa hẹn đẩy nhanh việc mở rộng trên toàn quốc nhiều cơ sở y tế của Thu Cúc đến từng khu vực dân cư. Người dân sẽ không cần đi xa mà vẫn được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Cùng với đó là đầu tư thiết bị cùng các tiến bộ y học mới nhất, áp dụng những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị khó trên thế giới.

Từ cái bắt tay hàng trăm tỷ đến một thương hiệu đứng đầu, từ khát vọng đẩy bật chất lượng khám chữa bệnh toàn dân đến nâng tầm vị thế Y tế tư nhân. Tất cả đều trong tầm tay với người quản lý và nhà đầu tư đủ tâm huyết, trí tuệ và niềm tin. Trên hết, người dân sẽ được hưởng những lợi ích quý giá về sức khỏe. Điều này càng có ý nghĩa khi vấn nạn dịch bệnh đang đe dọa cuộc sống cộng đồng.

Theo Nhịp sống kinh tế