Nga và Mỹ vẫn không có tín hiệu nào cho thấy hai bên có thể thu hẹp khoảng cách bất đồng về vấn đề Ukraine và mở rộng an ninh ở khu vực châu Âu sau các cuộc đối thoại diễn ra ở Geneva hôm 10/1. Thậm chí, Moscow liên tiếp nhấn mạnh tới những yêu cầu mà phía Washington cho rằng là không thể chấp nhận được.

Theo đó, Nga vẫn huy động số lượng lớn binh sĩ tới sát biên giới Ukraine và yêu cầu liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu không kết nạp Ukraine làm thành viên, đồng thời dừng hoạt động mở rộng quân sự ở khu vực mà Moscow xem là sân sau của mình. 

Căng thẳng Nga - Mỹ gia tăng khiến Moscow cảnh báo có hành động quân sự chống lại Washington nếu làm mất cân bằng an ninh châu Âu. (Ảnh: Sputnik)
 

“Đáng tiếc là chúng tôi có sự bất đồng lớn về nguyên tắc giải quyết vấn đề. Mỹ và Nga có quan điểm đối lập trong cách làm việc”, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.

“Chúng tôi hoàn toàn phản đối các đề xuất an ninh, bởi nó đơn giản là không có triển vọng đối với Mỹ”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói sau cuộc đối thoại gần 8 tiếng đồng hồ với ông Ryabkov.

Tuy nhiên, bà Sherman cũng ám chỉ tới khả năng hai bên có sự thỏa hiệp và cho biết Washington vẫn mở cánh cửa đối thoại về hoạt động triển khai tên lửa ở châu Âu, cũng như giới hạn quy mô và phạm vi của các cuộc tập trận quân sự.

Trong khi đó, Washington và Kiev cho biết khoảng 100.000 binh sĩ Nga đang di chuyển trong phạm vi tấn công Ukraine để chuẩn bị cho đợt xâm chiếm mới, sau 8 năm Nga sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ liên bang.

Về phần mình, Nga phủ nhận có kế hoạch tấn công Ukraine. Theo Nga, hoạt động điều động quân sự chỉ là phản ứng trước thái độ hung hăng của NATO và Ukraine, quốc gia ngày càng thân thiết với phương Tây và muốn gia nhập liên minh quân sự NATO.

Trong cuộc đối thoại, Thứ trưởng Nga Ryabkov liên tiếp nhắc lại những yêu cầu gồm cấm NATO mở rộng thêm hoạt động và chấm dứt hành động ở các nước thuộc Trung và Đông Âu từng gia nhập liên minh quân sự sau năm 1997.

“Đối với Nga, điều hoàn toàn bắt buộc là đảm bảo Ukraine không bao giờ, không bao giờ trở thành một thành viên của NATO. Đó là vấn đề đối với an ninh quốc gia Nga”, ông Ryabkov nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Sherman lại tuyên bố “Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai đả kích chính sách mở cửa khép kín của NATO. Mỹ sẽ không đưa ra các quyết định về Ukraine mà không có Ukraine, về châu Âu mà không có châu Âu, hoặc về NATO mà không có NATO”.

Hoạt động quân sự gần biên giới Ukraine đang đẩy căng thẳng Nga – Mỹ lên mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Phía Nga nhận định Mỹ không hiểu được tính cấp thiết của tình hình, dù không có hạn chót nhưng Nga cũng không thể chờ đợi hàng tuần hay hàng tháng để phía Mỹ hồi đáp về các đề xuất an ninh, theo ông Ryabkov.

Ông Ryabkov cho biết thêm Nga sẽ phản ứng theo con đường “quân sự - kỹ thuật” nếu đối thoại đổ bể. Cụ thể, hồi tháng 12/2021, ông Ryabkov cho hay khả năng Nga sẽ tái triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) ở châu Âu, nếu như phương Tây không có động thái làm hạ nhiệt căng thẳng.

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng nếu Nga từ chối đối thoại, điều này rõ ràng cho thấy Moscow chưa từng nghiêm túc về con đường ngoại giao.  

Vào tháng 8/2019, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước INF khi nhiều lần lên tiếng cáo buộc Moscow có hành động vi phạm, dù Nga không ít lần phủ nhận. Theo quy định của INF, Nga và Mỹ bị cấm triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 – 5.500 km. 

Cũng trong ngày 10/1, ông Ryabkov còn cảnh báo tới những người đồng cấp Mỹ rằng Nga có thể thực hiện một số phản ứng quân sự nhằm đáp trả trước việc Mỹ đặt các loại vũ khí hiện đại ở châu Âu trong tương lai.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh nếu NATO triển khai các loại vũ khí mới “vốn đang được phát triển với tốc độ cực nhanh ở Mỹ”, quân đội Nga có thể đáp trả theo cách “sẽ gây thiệt hại an ninh không tránh khỏi cho Mỹ và các đồng minh châu Âu”.

“Chúng tôi kêu gọi Mỹ thể hiện trách nhiệm tối đa ở thời điểm hiện tại. Nguy cơ gia tăng đối đầu không thể bị xem nhẹ”, ông Ryabkov cho hay.

Minh Thu (lược dịch)
Theo infonet