Cùng tham gia câu lạc bộ kỹ năng sống cho trẻ, giữa tháng 7, ba ông bố Hà Nội là Trung Tiến, Lê Trường, Thắng Sơn đưa ba con trong độ tuổi 7-9 đi dã ngoại, cắm trại đêm trên đỉnh núi Tản Viên (Ba Vì, Hà Nội), nơi chỉ còn những phế tích Pháp đổ nát và câu chuyện lịch sử nhiều thế kỷ.

Cả nhóm tới điểm trại ở cốt 1.000 - 1.100 m khi mặt trời xế bóng. Biết được ý định ngủ đêm của mấy bố con, những người bán vé lắc đầu, một số người dân gần đó trợn mắt bảo "sao liều thế" vì họ vẫn tin rằng ở nơi phế tích chắc hẳn có nhiều hồn ma với hàng trăm cuộc đời bị giam cầm, tra tấn.

Băng rừng tới nơi "thâm sơn cùng cốc", trước mắt họ là những dãy nhà tù đổ nát với vệt tường hoang ố, giữa khu rừng cổ thụ âm u. Bất giác, họ nhớ tới cảnh tra tấn đã được tái hiện ở nhà tù Côn Đảo hay Phú Quốc. Nhanh chóng dựng trại, cả nhóm dùng nhanh bữa tối. Chỉ có bánh mì kẹp nhưng vì đói, 3 đứa trẻ ăn ngon lành như tại nhà hàng 5 sao.

3 lều trại giữa núi rừng Tản Viên.

3 lều trại giữa núi rừng Tản Viên.

Xong bữa tối, cả nhóm lùng sục ngang, dọc khu rừng quanh trại, đi sâu bên trong khu trại giam cũ. Ở đây lũ trẻ được biết về khu nhà tù bí mật mà thực dân Pháp xây dựng kiên cố cách đây gần 100 năm, nhằm giam cầm những nhà cộng sản yêu nước. Cạnh mỗi khu nhà còn có những chiếc cối đá với đường kính khoảng 4 m dùng để tra tấn phạm nhân. Cái lạnh của sườn núi khuất nắng khẽ làm ba người đàn ông trên 40 rợn tóc gáy. Họ nghe trong tiếng lá, tiếng gió, tiếng suối giữa rừng sâu đại ngàn câu chuyện bất khuất của những người tù thà chết chứ không cam đời nô lệ.

Đi bộ nhiều km quanh khu rừng um tùm, ba ông bố dùng dao phạt cây bụi. Trên đầu các thành viên là chiếc đèn pin, còn trên tay là gậy đánh động đuổi rắn rết. Đi rừng không tránh khỏi đôi lần giật mình nhưng những ông bố đều giữ tinh thần thoải mái, không lo âu, không chờ đợi những điều có thể xảy ra, vì điều đó dễ khiến các con cảm thấy sợ.

 
 

Theo quy định của nhóm trong suốt hành trình không được dùng điện thoại, trên đường, khi mệt thì tất cả chỉ có thể ngồi nghỉ "rình ma". Ba con nhỏ, bạn thì bảo bắt con màu trắng, có bạn lại muốn một con nhỏ xinh, lòng đầy háo hức về hình dáng của nhân vật người lớn hay nhắc nhưng chưa từng nhìn thấy một lần trong đời.

Trở về điểm trại khi đã tối, tất cả nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ. Gần 12h đêm, tiếng lá khô xào xạc làm 3 ông bố choàng tỉnh. Trong không gian tĩnh mịch của khu rừng, tiếng bước chân càng trở nên rõ rệt. Không ai bảo ai, họ lắng tai nghe để đảm bảo an toàn. Anh Trường chắc rằng đó là bước chân người, anh Sơn lo hơn bên ngoài lều là thú dữ, còn anh Tiến cho rằng gió thổi hoặc thú nhỏ chạy qua nên ngủ tiếp.

Anh Tiến, người thành lập câu lạc bộ chia sẻ, các chuyến đi đều có tổ chức, quy tắc và lịch trình chặt chẽ. Trong đó, các thành viên nhóm luôn hiểu một quy tắc ngầm là đảm bảo an toàn cho các con. Điều quan trọng khi cắm trại qua đêm là phải hiểu rõ địa hình, có các kỹ năng đi rừng như xem bản đồ, dùng la bàn. Một số điểm phải vào hang, leo núi, anh Tiến sẽ đi tiền trạm trước.

Trước khi đi, cả nhóm chuẩn bị đồ cắm trại chuyên nghiệp như lều chuyên dụng không thấm nước; túi ngủ hoặc nệm; một tấm bạt đủ lớn để che khu lều tránh mưa, nắng. Đi rừng cũng cần có đèn pin, gậy xua rắn rết, dao đi rừng để phòng thân. Ngoài ra cần có bộ sơ cứu và kỹ năng tự sơ cứu cơ bản. Trong quá trình chuẩn bị, các con đều là người trực tiếp làm để ghi nhớ. Các thành viên mặc quần áo gọn nhẹ, đi giày đi bộ kín cổ, xịt thuốc côn trùng trên da. Theo kinh nghiệm mà các anh học được thì có thể sử dụng tỏi tăm giã rồi rải quanh lều để rắn tránh xa.

Những người chưa có kinh nghiệm cắm trại và đi rừng thì nên đi cùng người, nhóm chuyên nghiệp. Đặc biệt với trẻ em thì nên được làm quen với các buổi cắm trại, dã ngoại gần thiên nhiên, hoạt động ngoài trời trước các chuyến trekking đường dài, ngủ đêm trong rừng. Cả 3 bạn nhỏ trong hành trình đều từng có nhiều buổi leo núi, đi bộ đường mòn.

Sáng sớm hôm sau cả nhóm thức dậy, ăn sáng rồi kết thúc hành trình. Trên đường về, ba ông bố rôm rả bàn luận về tiếng bước chân lúc nửa đêm, còn các con nói chuyện hùng hồn tuyên bố "Làm gì có ma", với giọng điệu tự tin lắm. Vậy là ngoài rèn luyện khả năng leo núi, vượt rừng, điều thu được lớn nhất của các thành viên nhí là cảm giác chiến thắng nỗi sợ cố hữu từ trước tới nay.

"Hãy biết sợ chính là kỹ năng sinh tồn. Biết sợ suy nguy hiểm để giữ sự cẩn trọng chứ không phải là sợ hãi vu vơ mù quáng", ba ông bố đồng loạt nói.

 

Lan Hương
Theo vnexpress.net