Nhóm Nguyễn Hữu Tài đã bị truy tố, xét xử theo quy định.    
Mới đây, Công an quận Tây Hồ đã tạm đình chỉ công tác thượng tá Phạm Quý Hải (Phó trưởng Công an quận) và trung tá Nguyễn Đức Châu (Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an quận) do liên quan đến vi phạm trong một số vụ án. Trong đó có vụ "quên" không xử lý nhóm cướp tài sản do Nguyễn Hữu Tài (SN 1993, ở quận Ba Đình) và đồng phạm gây ra vào năm 2016.

Trước đó, Công an Hà Nội cũng tạm đình chỉ công tác đối với đại tá Phùng Anh Lê (Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế) để cơ quan chức năng làm rõ một số dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp khi ông còn làm Trưởng Công an quận Tây Hồ.

Đến nay, nhiều cán bộ Công an quân Tây Hồ đã có báo cáo liên quan đến vụ án "Cướp tài sản" của Nguyễn Hữu Tài. Nội dung báo cáo thể hiện, tại thời điểm đó, Đại tá Phùng Anh Lê (Trưởng Công an quận Tây Hồ - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra) đã có chỉ đạo không tạm giữ hình sự đối với Tài.

Cụ thể, theo báo cáo của Trung tá V. C. N. (Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) vào thời điểm tháng 9/2016, sau khi công an tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu bắt giữ người trái luật, Tài đã đến Công an quận Tây Hồ viết đơn đầu thú.

Quá trình thu thập tài liệu chứng cứ và đánh giá, Trung tá N. cùng một Điều tra viên là P. T. H. có cùng quan điểm rằng, hành vi của Tài cùng đồng bọn có dấu hiệu của tội "Bắt giữ người trái luật" đối với anh T. (sinh năm 1990, ở Hà Nội).

Sau đó, cán bộ H. đã đề xuất lãnh đạo Công an quận Tây Hồ về việc ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Tài.

Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu hồ sơ, Đại tá Phùng Anh Lê cho rằng tài liệu, chứng cứ để giữ đối tượng Tài là yếu và không có căn cứ.

Tiếp đó, Đại tá Lê đã chỉ đạo bằng miệng không tạm giữ hình sự đối với Tài và phê bình Trung tá N. về cách nhận định trong vụ việc này là không đúng người đúng tội, dễ dẫn đến oan sai.

Cũng liên quan vụ việc trên, theo báo cáo của Thượng tá Phạm Quý Hải (Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ - đã bị đình chỉ công tác) cho hay, sau khi tiếp nhận vụ việc công dân trình báo bị bắt giữ trái luật do mâu thuẫn trong việc đòi nợ nhau, bản thân đã báo cáo Đại tá Lê và yêu cầu thuộc cấp thụ lý giải quyết theo quy định.

Sau đó, Thượng tá Hải yêu cầu thuộc cấp hoàn thiện thủ tục để ký quyết định tạm giữ Tài về hành vi "Bắt giữ người trái pháp luật".

Tuy nhiên, khi thuộc cấp chưa kịp trình ông ký quyết định thì các cán bộ liên quan báo cáo lại rằng, Đại tá Lê thấy việc giữ hình sự đối với Tài là chưa đủ căn cứ nên chỉ đạo bằng miệng không giữ hình sự, cho Tài về và cam kết khi nào cơ quan công an triệu tập phải có mặt.

Liên quan đến vụ án "Cướp tài sản" trên, ngày 21/9/2016, thấy anh T. đang ngồi uống nước, Nguyễn Hữu Tài (SN 1993, ở Ba Đình, Hà Nội) cùng 4 đối tượng khác đến đòi nợ. Khi anh này bỏ chạy, hô "Cướp, Cướp", nhóm của Tài đã đuổi đánh, ép anh T. lên xe máy và giữ chiếc iPhone 5.

Sau khi nạn nhân trình báo, Công an quận Tây Hồ triệu tập, tạm giữ hình sự Tài nhưng sau đó lại cho đối tượng này về. Vài ngày sau, công an mời hai người đến hoà giải, đồng thời Tài bồi thường anh T. 15 triệu đồng.

Ngày 29/4/2021, khi xét xử vụ án "Cướp tài sản" trên, TAND Hà Nội tuyên Nguyễn Hữu Tài 2 năm tù. Cùng tội này, HĐXX phạt Nguyễn Khắc Đức, Trần Văn Lộc và Nguyễn Văn Nam các mức án 18-20 tháng tù. Nguyễn Quang Chính lĩnh 15 tháng tù treo.

HĐXX cho biết trong quá trình điều tra, Công an Hà Nội xác định một số cán bộ Công an quận Tây Hồ có liên quan đến việc "không xử lý hình sự" các bị cáo trên về tội Cướp tài sản. Ngoài ra, vợ của bị cáo Tài trình bày năm 2016, sau khi anh này bị tạm giữ hình sự, cô đã đưa 100 triệu cho một cán bộ Công an quận Tây Hồ để nhờ giúp đỡ.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị